Sunday, May 18, 2008

# Kỉ Niệm về một Chuyến Hành Hương

Người trình bày: Thái Minh Mẫn

Chân cứng đá mềm

“Một ngày bằng mấy trăm năm người ơi!” Chẳng biết câu “than thở” mà người ta hay “rền rĩ” như vậy xuất hiện từ đâu, song đối với tôi (Minh Mẫn) đó là chặng đường dài của kiếp người luân hồi sinh tử. Muốn thoát khỏi cảnh trầm luân của một ngày đó, người ta không còn con đường nào khác là đi tìm CHÂN LÝ. Hành hương đi tìm chân lý cũng là một trong các “thủ pháp” của người tu.

Nói đến Thất Sơn thì ai cũng có cảm giác rằng vùng này chứa đựng biết bao huyền bí mà người nào có hiếu kỳ đến đâu cũng khó mà tìm hiểu cho tận tường. Tôi thích đi vùng Bảy núi vì có thể thu được nhiều thanh điển, và thực tập thiền định, gom ngươn thần hàng giờ mà không bị ai quấy rầy.

Tôi thức giấc sau một buổi trưa ngủ chập chờn, vì nghe Thày đánh thức “con điện thoại bảo bà Lành trở về nhà cùng đi núi.” Sợ mình tự kỷ ám thị nên tôi thưa với Thày: “Thày ơi có phải con tự kỷ ám thị?”

“ Không, Thày nói đó.”

Một buổi chiều khi tôi đang thực tập luyện công phu, bà Lành (người cho phép tôi được gọi bằng mẹ) nói cho tôi biết có một người bạn của Vũ, con mẹ Lành, hiện đang sinh sống ở bên Nga, bị rất nhiều bệnh, đã uống thuốc hai năm rồi không bớt, hiện đang về Việt Nam chữa bệnh và bảo tôi xin Thày cho họ bài thuốc chữa bệnh.

“Chào thày,” tiếng Tiến, người bạn của Vũ trong điện thoại. Tôi giãy nảy bảo xin anh cứ xưng hô bình thường tôi có làm gì mà anh kêu tôi bằng thày. Thế là anh bạn bắt đầu kể cho tôi nghe những chứng bệnh mình mắc phải và được tôi đề nghị bay vào thành phố Hồ Chí Minh để gặp tôi.

Một trung niên trắng trẻo, đẹp trai nhưng gương mặt có vẻ mệt mỏi. Tôi giúp anh bạn chữa bệnh lần đầu tại nhà mẹ Lành và hai lần sau hẹn tại bệnh viện nơi tôi đang chăm sóc người mẹ ruột bị ngã chấn thương sọ não. Qua trao đổi người bệnh trở thành bạn học cùng khóa ngoại ngữ, khoa dự bị đại học ngoại ngữ ở Thanh Xuân - Hà Nội năm xưa, thật là mừng vui. Tôi đề nghị bạn cùng tham gia chuyến đi núi để tôi tranh thủ thời gian gần người bạn và chữa cho.

Phóng nhanh từ bệnh viện về nhà, tôi thắp nhang quì xuống chân Thày Mẹ, các Đấng Thiêng Liêng, cửu huyền thất tổ nội ngoại cầu xin Ơn Trên gia hộ cho đòan đi được bình an, khai mở trí huệ, tu tập tiến bộ sau chuyến đi núi, thuận lợi về thời tiết vì mấy bữa nay ở Sài Gòn mưa quá.

Tiến đã rất khó phải quyết định cùng trèo núi cùng chúng tôi, nhưng được động viên, nên đúng 10 giờ sáng, ngày thứ năm 1/5/2008 (tức 27/04 năm Mậu Tý), dưới sự dẫn dắt của Thày, đoàn chúng tôi gồm 10 người: mẹ Lành, bố Thuận (chồng mẹ Lành), vợ chồng anh Tứ - chị Nga, anh Hưng, Hiểu, Quang (lái xe), Hùng (lái xe), Tiến và tôi xuất phát.

Hai chiếc xe đời mới bon bon thẳng tiến

“Về An Giang với lúa đồng thơm ngát
Nước Thoại Hà tưới mát quê hương
Qua nhịp cầu Hoàng Diệu mến thương
Đây Châu Đốc Tây An Cổ Tự”

Mười hai giờ trưa chúng tôi tìm một quán nước sạch sẽ dọc đường dở bánh chưng, ngô luộc, bánh mì phô mai ra thay cho bữa trưa. Bốn giờ chiều ngày hôm đó chúng tôi đã “trực chỉ” chùa Phật Tây An hay còn gọi là chùa Phước Điền hay Trại Ruộng.

Trại Ruộng ở xã Thới Sơn, huyện Nhà Bàn cách núi Sam hơn 10 kilô mét. Ngày xưa khi lập xong Đức Phật Thầy Tây An giao cho ông Tăng Chữ và ông Đình Tây ở giữ. Tại Phước Điền Tự còn có hai đôi liễn thờ ở bàn chánh và ngoài cửa ngõ. Người ta bảo là của Đức Phật Thầy chỉ cho tín đồ viết và lưu truyền đến ngày nay.

Cảnh chùa vẫn như xưa thật thanh tịnh và có phần đẹp hơn trong mắt tôi. Chúng tôi thăm lại giếng Tiên (tục truyền nơi đây Đức Phật Thầy Tây An dùng huyền linh lấy nước giếng chữa bệnh cho dân), thăm hồ (ao) sen trắng mà năm ngoái khi chúng tôi xuống, nơi đây khô cằn không có một giọt nước, bà Lành hảo tâm đã giúp nhà chùa làm hệ thống máy bơm lấy nước từ con kênh vào cho dân vùng này xài. Mùi hoa sen thoang thoảng khiến tôi thầm ước có thể lội xuống, ngắt những bông sen đẹp nhất dâng lên Đức Phật Thầy. Cây cột phướn vẫn sừng sừng trước sân chùa với hai “Ông hổ” bảo vệ hai bên. Chúng tôi vào điện thắp những nén nhang dâng lên Đức Phật Thầy sau hơn sáu tiếng đồng hồ di chuyển.

Đón chúng tôi là anh Hai Béc trụ trì chùa và cháu Lãm. Tôi và mẹ Lành là người trong đoàn lần thứ hai tới chùa này. Anh Tứ thì đã thành “thân chủ” vì đã đến đây lần thứ ba. Anh Hai Béc giới thiệu cho đoàn biết một số hiện tượng khó giải thích xảy ra trong chùa như có một dạo cột chùa nóng như lửa đốt 4, 5 ngày xã có cử người xuống khảo sát và kết luận nóng do dây điện, nhưng chúng tôi thấy sợi dây điện chạy cách xa cây cột, và anh Hai Bec chỉ cho chúng tôi một bà mẹ có đứa con chừng 7, 8 tuổi tim bị ngừng đập ở bệnh viện. Mẹ cháu bế nó vào chùa này một hồi nó tỉnh lại và hiện đang chạy chơi tung tăng.

Năng lượng ở đây rất nhiều, chúng tôi vừa nghe anh Hai Béc giới thiệu vừa tĩnh tâm thu năng lượng.

Cây cột phướn sừng sững trước chùa

Tôi thật sự lo lắng: với trách nhiệm làm “hướng dẫn viên du lịch” cho đoàn nhưng cho đến bây giờ chưa biết nói với đoàn mình sẽ đi đâu. Tôi “thầm” hỏi, Thày chỉ dạy: “Điểm đầu tiên Tà Lơn.” Thế là đề tài đi Tà Lơn một địa điểm núi hùng vĩ, nhiều màu nhiệm, đẹp đẽ được đưa ra tranh luận, cuối cùng chúng tôi thất vọng vì chuyến đi Tà Lơn phải mất ít nhất 7 ngày trong khi chúng tôi được Thày cho phép hành hương có 3 ngày, mặt khác nó lại nằm bên kia biên giới. Chúng tôi mừng trong bụng và nghĩ rằng Thày đã “chuyển” đi Tà Lơn vậy là trước sau cũng có ngày chúng tôi được đặt chân tới đó.

Bữa cơm tối tại Trại Ruộng thật ấm cúng, tôi ăn ngon lành, nhưng chắc Tiến không ăn được vì bệnh tật và mệt mỏi. Thấy bộ bàn ghế ăn cơm của nhà chùa cũ kỹ quá, mẹ Lành, anh Hưng, Tiến, và tôi đóng góp một ít để đóng thêm mười bộ bàn ghế ăn cơm cho chùa. Tất cả chuẩn bị để mười giờ tối ra sân chùa ngồi trước cột phướn như Thày mật lệnh cho chúng tôi. Tôi thầm nguyện xin Thày ban điển thiêng và cho chúng tôi được thấy linh ảnh Thày, hoặc Đức Phật Thầy Tây An như chuyến đi hồi năm ngoái.

Thày chỉ dạy cho tôi: cột phướn là biểu tượng sự kết hợp âm dương nói nôm na nó như một cây “thu lôi” (thu năng lượng vũ trụ). Tôi có cảm nhận hình như cột phướn được dựng lên theo một nguyên tắc và ở những nơi nhất định. Tôi nhớ lại trong chuyến đi núi năm ngoái, mười hai giờ đêm tôi và mẹ Lành cũng đã được cô Năm Thảo hướng dẫn theo “mật lệnh” của Mẹ ra trước cột phướn của một ngôi chùa đạo Cao Đài trên núi Ông Cấm để nhận điển Cha. Và đêm ngày mùng tám rạng mùng chín tháng giêng năm Đinh Hợi (2007), mẹ Lành, tôi, anh Tứ và cô Năm Thảo cũng quì dưới chân Cha ở Tòa Thánh Tây Ninh. Trước Tòa Thánh cũng có cây cột phướn mà Đức Hộ Pháp có đề cập tới sự phát triển của cây bồ đề trước sân với nó (cột phướn) báo hiệu ngày Đại Hội Long Hoa. Phải chăng những điểm đó là những “huyệt đạo” chính của Trái Đất trong thời kỳ Vũ Trụ dịch chuyển này?

Buổi tối ở miền quê yên tĩnh nên mới tám giờ khách hành hương viếng chùa đã buông màn đi ngủ. Sau bàn trà chỉ còn lại tôi, anh Hưng, Tiến là hai bệnh nhân của tôi, Hiểu và cô Năm Thảo (người bạn đạo chuyến trước làm hướng dẫn viên cho đoàn tôi và mẹ Lành lên thăm chúng tôi).

Muỗi nhiều quá! Tôi chữa bệnh cho anh Hưng và Tiến sau cùng. Tôi rất mừng vì cả hai đều có cảm giác bớt, nhẹ nhàng hơn sau khi chữa. Đúng mười giờ tất cả thành viên trong đoàn tự động ra sân chùa trước cột phướn ngồi thiền. Tôi giúp Tiến mang chiếc ghế tựa ra ngồi vì Tiến bị đau lưng không ngồi bệt sát đất được.

“Lạy Thày, muỗi nhiều quá, con xin Thày ban điển và huyền linh cho anh em trong đoàn.” Chúng tôi ngồi thiền khoảng nửa tiếng, chẳng ai nói gì và thấy gì cả. Họ đã trở vào màn đi ngủ. Tôi lạy Thày 12 lạy và trở vào đàm đạo với Hiểu và đặt lưng vào lúc 1 giờ 20 phút sáng.

Sáng dậy, ngồi trong màn cô Năm Thảo nói với tôi: chuyến đi đợt này sẽ bị đảo lộn cho mà xem vì chị không ghé vào điện Mẫu (tại nhà cô Năm) thắp nhang trình Mẫu chuyển, em đã nói với anh Hưng ngay từ đêm qua. Tôi vội vã phân bua vì nghĩ rằng ở đâu cũng có Cha Mẹ cả, tôi đã trình Cha Mẹ trước khi đi. Mà quả thật khi đi ngang cô Năm Thảo không một ai trong đoàn có ý nghĩ ghé điện Mẫu trình Mẹ. Mẹ từ bi không bao giờ trách lỗi chúng con đúng không thưa Mẹ? Nhưng dù sao tôi vẫn muốn cô Năm thông cảm cho chúng tôi, nhất là tôi “người có được điển Thày,” chúng tôi vẫn nhớ ơn cô hướng dẫn trong chuyến đi núi năm xưa, nhờ đó chúng tôi được quì dưới chân Mẹ ở Điện Mẫu nhà cô, nhờ đó chúng tôi biết được Trại Ruộng…

Sau bữa ăn sáng và hỏi chuyện một vài người vừa đi Tà Lơn về về chuyến đi Tà Lơn của họ, đoàn chúng tôi chia tay và cảm ơn sự tiếp đón, giúp đỡ của các huynh đệ chùa Phước Điền.

Điểm đầu tiên trong chuyến “hành trình về phương đông II” của chúng tôi vào tám giờ sáng ngày 2/5/2008 là núi Ông Két.

Núi Ông Két (Anh Vũ Sơn) nằm trong thất sơn, có độ cao 225 mét, dài 1100 mét, ngang 1000 mét, thuộc địa phận Thới Sơn, Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Người ta gọi núi Ông Két vì mỏm đá giống hình con két.

Mẹ Lành ở lại dưới chân núi lo hậu cần cho đoàn, hai bác tài ở lại trông xe trong sân một nhà hàng lý tưởng ngay dưới chân núi. Tiến đi cùng tôi một đoạn đến chân núi thì quay ra nhà hàng và bảo bạn đi đi tớ quay về vì mệt leo núi không nổi đâu.

Những bậc thang thoai thoải dễ đi nhưng cũng khiến chúng tôi phải mất 30 phút mới leo lên được trạm đầu tiên, điện Ông Két. Tội nghiệp nhất là anh Hưng: càng lên cao tim càng bị ép khó thở tưởng chừng như phải bỏ cuộc nhưng với quyết tâm cao anh Hưng là người cuối cùng cũng leo lên được.

Cảnh núi non hùng vĩ, xa xa những dãy núi mờ ảo, những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, gió mơn man da thịt chúng tôi, thật là bồng lai tiên cảnh chứ không phải trần gian. Điện Ông Két (điện Năm Non Bảy Núi) thờ Tam Bảo với hình Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dưới cội bồ đề và các vị Sơn Thần (Chư vị Năm Non, Chư vị Bảy Núi). Hai dòng chữ màu vàng nổi bật ghi lời nói của Đức Huỳnh Giáo Chủ làm chúng tôi càng có ấn tượng sâu đậm về sự linh thiêng chốn này:

“Trên NĂM NON rồng phụng tốt tươi,
Miền BẢY NÚI mà sau báu quí.”

Chúng tôi đảnh lễ các Đấng Thiêng Liêng, các vị Thần linh. Anh Tứ say sưa với chiếc máy quay phim trong tay. Đến lượt mình sau khi hỏi ông gác núi, anh Tứ “thoắt” lên tượng một con hổ vằn trong tư thế điệu nghệ để chụp, chị Nga, cậu Lãm được hướng dẫn bấm máy nhưng thật là lạ khi kiểm tra lại trong máy không có một tấm hình nào của anh Tứ. Tôi nghe tiếng nhắc bên tai “Nguyễn Tứ đã không nên làm như vậy!” và nhắc lại lời này để anh Tứ biết và sám hối. Âu đây cũng là một bài học cho tất cả cần phải thận trọng trong từng lời nói hành động ở những nơi linh thiêng.

Tôi đắm ánh mắt vào tượng một con hổ “Minh Mẫn biết Năm Ông (Ông Hổ) chữa bệnh rất tài tình vậy xin Năm Ông để Minh Mẫn gọi Tiến lên đây, các Ông hỗ trợ Minh Mẫn chữa bệnh cho Tiến nhé.” Các vị Sơn Thần đã ủng hộ tôi. Tôi thầm cầu nguyện xin Cha Mẹ, các Đấng Thiêng Liêng, các vị thần linh giúp cho Tiến leo được lên chỗ này.

Tôi điện thoại cho mẹ Lành và nói mẹ cho Quang kè Tiến lên. Như có ai đưa chân Tiến, trong khoảng thời gian chưa đầy 15-20 phút Tiến và Quang đã có mặt. Tôi chữa bệnh cho Tiến trước và sau đó hỏi lại cảm giác của Tiến lúc được chữa bệnh. Tiến nói cảm giác lúc đó Tiến bồng bềnh như đi trên mây, toàn thân, lưng vẫn nóng dễ chịu như mấy hôm chữa trước và Tiến thấy một cái phễu không có đuôi như miệng núi lửa, màu mặt trời mọc bay trước mặt Tiến lúc thì xa xa ngoài chân trời lúc thì bay lại gần Minh Mẫn, nhưng lúc gần Minh Mẫn nó nhỏ hơn.

“À , mà mình quên nói với bạn tối hôm qua lúc bạn chữa bệnh cho mình, mình nhìn thấy Thái Thượng Lão Quân, chỉ thấy mặt và chòm râu dài, thời gian khoảng 1 đến 1,5 giây, ngay trên đầu, hơi xa bạn một chút, mình biết đấy là Thái Thượng vì mình đã nhìn thấy Ngài qua ảnh.” Tiến từ tốn nói với tôi nhưng tôi thấy trong ánh mắt của bạn niềm sung sướng khôn tả, nét mặt hồng hào, rạng rỡ của người bệnh vừa được tiếp nhận nguồn điển linh thiêng của Thày Mẹ ban cho .

Cảm ơn Thày đã cho đoàn chúng con chứng nghiệm huyền linh, Thày đã ban linh điển cho Tiến, một người đang sinh sống ở nước ngoài, chưa hiểu biết nhiều về tâm linh, thật là hồng phúc cho bạn ấy. Năm ngoái cũng tại ngôi chùa Phước Điền lúc mười giờ tối con cũng đã được Thày cho thấy Linh Ảnh của Thày. Theo Thày tu tập từ đó đến nay con đã đạt được một số tiến bộ nhất định.

Trong lúc tôi chữa bệnh, đoàn tiếp tục lên đỉnh gọi là “Sân Tiên.” Tất cả đều cho những người ở lại biết là cảnh trên đó rất đẹp. Tôi không tiếc vì không được ngắm Sân Tiên, cảnh tiên, ngược lại sung sướng vì tôi đã được quá lớn. Cái được, và điều đáng mừng “hết lớn” đó là những kinh nghiệm mà bạn tôi và anh Hưng được trải qua ở đây trong lúc chữa bệnh này và điều quan trọng mà Tiến đã quên không thông báo cho cả đoàn biết là tối hôm qua thấy Thày.

Xem lại cuộn phim về chuyến đi này mà anh Tứ đưa cho tôi và đã đặt cho nó một cái tựa đề “rất kêu” là “kỷ niệm chuyến đi núi An Giang mở mầu”, tôi “nhớ” lại trên “Sân Tiên”, nơi tôi đã không được “trèo” lên đấy ngắm cảnh. Bên tai tôi văng vẳng tiếng cháu Lãm đọc câu thơ của Cậu Hai Thanh Sĩ, một đệ tử của Đức Huỳnh Giáo Chủ trong cuộn phim đó:

“Có con chim đá nổi đá từ lâu;
Tới chừng có máu thấm vào nó vùng vẫy”

Biểu tượng mỏ con két bằng đá, con két màu xanh trên Sân Tiên, Con Két ấy muốn nói gì với ta? Thôi đúng rồi! Một con chim bị thương do trúng tên, nó vùng vẫy vì mình đẫm máu. Nó đã bị chiếc cung tên (nỏ thần) của An Dương Vương khi vô ý trao lầm tay giặc bắn trúng. Có thể Thày đã ngầm cho chúng tôi biết tại chốn này 6000 năm trước đây vua An Dương đã không thể bách chiến bách thắng quân thù vì để mất nỏ thần - mất sự anh minh của một vị vua? Con chim Két xinh đẹp trên “Sân Tiên” ấy có phải là con Phượng Hoàng (Anh Vũ, con chim anh dũng) của nước Việt Nam sau này hay không? Con “chim đá” này có liên quan gì đến “đá nổi từ lâu”?

Khoảng mười hai giờ trưa chúng tôi xuống núi, mẹ Lành đã chuẩn bị bồi dưỡng cho một số thành viên trong đoàn cháo tắc kè, gà… Ba mẹ con chúng tôi (mẹ Lành, Lãm và tôi) ngồi riêng một bàn với những món ăn thanh đạm thông lệ và đàm đạo về cuộc hành trình tiếp theo. Mẹ Lành bảo đi tiếp một điểm Thày chuyển là đá nổi rong chìm rồi tối nay về Sài Gòn. Nghe mẹ nói mà lòng tôi hụt hẫng: chẳng lẽ bỏ công sức đi xuống đây mới được một tí mà đã về sao, Thày bảo đi 3 ngày cơ mà, nhưng tôi không dám nói. Vừa lúc đó tự nhiên Lãm nói còn một điểm này nhất định bà Lành phải đi. Tôi nghe Thày nói: “Bảo nó nói ra đi.” Lãm bảo điện Tàu Cau (Trung Tòa) ở núi Dài. Chắc nó áy náy trong bụng là núi Ông Két không cao, chú Tiến và chú Hưng bệnh như vậy mà còn lên “thăm Ông Két” được. Tôi cảm nhận Thày đã sắp xếp cho chúng tôi ngủ lại đêm trên núi Dài.

Ba Lãm tiếp tục dẫn ông bà và các cô chú đi tới “gặp” Thần Kim Qui. Đây là một hòn đá sống, theo cô Ba năm nay 84 tuổi kể từ thời mẹ của cô đã có hòn đá này, nó tự lớn ra, nay là một quả núi con với hình giống con rùa, và đặc biệt thời gian sau này lại thêm một chú rùa con cạnh mẹ. Chúng tôi vào nhà thắp nhang đảnh lễ Phật và đi vào hang (dưới bụng Ông Rùa) tới bàn thờ lạy Mẹ Quan Âm. Tôi dựa lưng vào tường đá mát lạnh, nhắm mắt. Mẹ đã “đặt” vào trán tôi một bông mai năm cánh và nói với tôi: “Mẹ ban cho con bông mai này, để con chữa bệnh giúp người cho tốt.” Tôi vui mừng hết sức và cảm ơn Mẹ. Chúng tôi nghỉ chân dưới tán một cây nhãn và được cô Ba cho biết sở dĩ cây nhãn này có hình giống như một cây dù vì khi nó còn nhỏ cô khấn nguyện Ơn Trên độ cho nó có tán như cây dù để bá tánh đến đây ngồi nghỉ ngơi khi thăm viếng Ông Rùa.

Tôi cứ thắc mắc mãi tại sao Thày lại chuyển chúng tôi đến thăm Thần Kim Qui khi tôi đang hoàn thành bài viết này. À, hóa ra đây là Thần Kim Qui đã hiện lên để trao cho An Dương Vương cây nỏ thần để giữ nước năm xưa mà sau này khi sang núi Thủy tôi liên hệ được bài học về lịch sử. Thế còn tại sao hai con rùa một mẹ một con? Không sai. Sự tồn tại của hai thế hệ cha truyền con nối: Mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng dẫn con đi xuống biển chỉ có thể là Rùa Biển. Mẹ vẫn đang nâng đỡ con mình, biết đâu mai nay Rùa Con khôn lớn sẽ lại trao cho một An Dương Thái Tử cây nỏ thần để giữ nước, lịch sử sẽ lặp lại chăng?

Xe chúng tôi chuyển bánh tiếp về Ba Chúc, An Giang trên đoạn đường đầy những ổ voi khiến chúng tôi lắc lư trong xe, nhưng thiếu những điệu nhạc đệm phát ra từ máy hát. Đoàn chúng tôi đến thăm điện Diêu Trì Phật Mẫu. Cháu Lãm nói với tôi, chùa này Đức Phật Thầy Tây An đã ra lệnh cho xây. Đây là một ngôi chùa một tầng, hông chùa chạy dài theo đường tỉnh lộ, mà ngay đó, giữa đường lộ có cây gió bầu hàng trăm tuổi đang bị chết do lưu lượng xe đi qua hàng ngày gây chấn động, trên ngọn của nó những nhánh bồ đề đang xum xuê cành lá, phải chăng đó là dấu hiệu báo chờ ngày Đại Hội Long Hoa? Theo thiết kế mặt chính của chùa quay về hướng đông nam, thực tế cửa hông chùa mở cho khách hành hương vào thăm theo hướng nhìn ra lộ nơi có cây gió bầu - bồ đề (cột phướn?). Thày đã gật đầu, ngầm xác nhận câu hỏi của tôi phải chăng Mẹ đã cho lập điện thờ này để chuẩn bị cho Ngươn III - Long Hoa Tại Thế?

Chúng tôi thắp nhang bàn thờ Trăm Quan, lạy Mẹ rồi tiếp tục lên đường qua Thủy Đài Sơn (núi Nước) ở gần đó. Tại sao ở đây người ta thờ Trăm Quan? Thày giảng giải cho Minh Mẫn hiểu là mỗi họ như họ Trần, họ Nguyễn, họ Lê… đều có “Cụ Tổ”của mình, là những người tu đã đắc đạo được Bề Trên giao trách nhiệm dạy dỗ con cháu mình. Thày đã hướng họ, con cháu họ đến Long Hoa Hội? Thời kỳ mạt pháp có nhiều đạo giáo được hình thành và các Vị Thày Tổ xuất hiện như những minh sư để hướng đạo cho con cháu mình?

Núi Nước là hòn núi nhỏ nhất, nhỏ hơn tất cả những ngọn đồi và núi khác, gần như đất bằng, cao không quá 50 mét, ở gần núi Tượng. Hàng năm mùa nước lên, núi ở giữa, chung quanh là nước nên gọi là Núi Nước. Trên núi có một ngôi chùa gọi là Thủy Đài Sơn. Có những ngọn núi khá lớn như núi Trà Sư, núi Phú Cường, Nam Vi, núi Sam… lớn hơn núi Nước nhưng không có tên trong ngọn Thất Sơn. Theo người xưa thì Thủy Đài Sơn này có một cây “ếm”, chính Đức Bổn Sư đã mở cây “ếm” đó. Có lẽ sau khi mở cây “ếm” Đức Bổn Sư đã cho đắp một cái hồ con rùa tượng trưng khuôn viên chừng 3 mét x 3 mét mà bạn thấy đấy: ngay trên ngọn núi Nước này? Hồ con rùa tượng trưng ở Núi Thủy có liên quan gì đến Hồ Gươm ở Thủ đô ngàn năm văn hiến ngày nay?

Tiến ở lại phía ngoài uống thuốc, một số leo lên đỉnh núi xong trở về xe, chỉ có tôi, anh Tứ và bố Thuận xuống hang trong lòng núi. Tại đây chúng tôi được một cô “gác động” dẫn vào bên trong. Đó là một cái hang dưới núi, ở đây người ta thờ Địa Mẫu. Chúng tôi được kể cho nghe về “thiên cơ” là dưới lòng ngọn núi Thủy trước đây là biển ( có lẽ không sai vì theo một tài liệu của ông Trần Hữu Thành thì tất cả núi Việt Nam do dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) chạy dài xuống phía nam, khi trồi lên, khi lặn xuống và chấm dứt ở miền đông bắc nam Việt Nam, để rồi tủa gần ra miền tây bắc nam Việt Nam thành các dãy núi ở Châu Đốc và Long Xuyên sau thời kỳ địa chấn lần thứ ba (thời tiền sử), thêm một điều nữa, các nhà địa lý học còn cho rằng “miền tây nam nước Việt trước kia là vịnh biển và hòn đảo, nay được bồi đắp và trở thành ruộng rẫy và núi non”, thật đúng như lời người xưa:

Thương hải biến vi tang điền
(Biển xanh biến thành ruộng dâu),

về sự tích bức tượng Địa Mẫu, hình ảnh Địa Mẫu được tự nhiên “tạc” vào trong đá, về những bí mật theo tương truyền về ngọn núi linh thiêng này với tảng đá sống ngày càng lớn ra như một con tàu, những dấu chân trên “núi” đá sống mà “trí tưởng tượng” cho là dấu chân An Dương Vương, chiếc búa (thay vì nỏ thần) An Dương Vương, hình ảnh Mỵ Châu, Trọng Thủy, những tảng đá có hình giống như bánh lái con tàu, hai chú voi đá của Hai Bà Trưng…

Tôi cảm nhận dưới ngọn núi là biển chạy dài đến mũi Cà Mau, khi xưa nơi đây là Thành Cổ Loa. Năm xưa Vua An Dương đã mất cảnh giác :

“Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu”
(Tố Hữu)

đã lái con tàu của đất nước chìm xuống biển sâu. Và chính nơi đây Hai Bà Trưng đã chiến đấu chống giặc phương Bắc, dấu ấn cặp voi để lại để sau này con cháu nhớ công ơn Hai Bà như một trang hào hùng trong lịch sử, dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Chia tay Thủy Đài Sơn, chúng tôi tiếp tục hướng về Ngọa Long Sơn (Núi Dài).

Ngọa Long Sơn cao 580 mét, dài 8000 mét, ngang 500 mét, xưa thuộc 4 thôn Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc, Lê Trì, thuộc tổng Thành Ngãi, quận Tri Tôn. Người ta đặt tên như thế là vì núi này dài tới 8000 mét, trong sách gọi là Ngọa Long Sơn vì nó giống như hình con rồng đang nằm.

Xe chúng tôi men theo con đường trải nhựa bằng phẳng, rừng cây hai bên đường tạo cho chúng tôi cảm giác mát mẻ, yên tĩnh, thanh bình, thoải mái, dễ chịu dưới chân núi. Chúng tôi bị cuốn hút vào một vựa xoài dưới chân núi. Xoài ở đây không được ngon lắm nhưng gặp khách chủ vựa cũng bán được cho chúng tôi với giá 6000 đồng/kg.

Gửi xe lại, chúng tôi lấy đồ đạc cần thiết cho một đêm rồi Ba Lãm quẩy trái mít (tôi hảo mít lắm) tôi mới “tậu” làm “tiên phuông.” Phải nói “trèo” núi này có phần dễ hơn “Ông Két” vì các bậc đá tuy cũ kỹ nhưng triền dốc thoai thoải, tôi với anh Hưng, Hùng đi sau cùng vì anh Hưng lại bị mệt do lên cao.

Để hành lý tại Điện Tàu Cau (người ta gọi thế chắc vì đó chỉ là một khoảnh bằng phẳng được lát gạch bông độ 40 mét vuông được “khoét” vào trong núi, nếu ai để ý kỹ có thể liên tưởng đến chiếc tàu cau (lá cây cau ăn trầu) làm mái che mưa nắng cho khách hành hương), chúng tôi thắp những nén nhang dâng lên ngôi Tam Bảo, Trời Đất và lên mỏm cao hơn thắp nhang, ngồi thiền bắt ấn theo sự hướng dẫn của Thày (tôi nhớ lại cách bắt ấn Thày chỉ dạy khi ở Trại Ruộng và núi Ông Két khác với cách bắt ấn lúc này). Từ đây nhìn ra xung quanh một cảm giác khác so với khi ở bên “Ông Két”. Nhìn lên trời cao, tôi như đang thấy mình đứng lơ lửng giữa chín tầng mây, và một cảm giác khó tả tràn đầy: chúng con đang rất gần với Thày Mẹ.

Dòng chữ Tàu, vâng, có lẽ không phải là tiếng Phạn, lơ lửng trước mặt tôi càng làm cho tôi thấy một điều “thiên cơ bất khả lộ”. Phải chăng nền văn hoá Tây Tạng huyền bí được bắt nguồn từ nơi đây và con rồng Thăng Long đang ẩn mình dưới lòng đất Núi Dài chờ ngày đón Minh Vương Thánh Chúa? Lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với núi sông hùng vĩ, từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, người ta không thể không nhắc đến Mẹ Âu Cơ dẫn con xuống biển gửi gắm những đứa con của mình cho Đại Dương bao la, những "chú Rồng con” đang được Biển Mẹ ôm ấp, nuôi dưỡng, (một ngày nào đó sẽ “thăng” theo dòng Cửu Long), đợi ngày “đoàn tụ” cùng trăm trứng của Lạc Long Quân - những “cô Phượng Hoàng” trên núi Gấm (mà ngày nay người ta đọc trại ra là núi Cấm (cấm người lên khi chưa được “phép”). Bản hùng ca mà Hà Nội sắp cất lên chào đón Thăng Long Hà Nội ngàn năm liệu có hòa chung điệu nhạc trầm bổng đón Rồng Vàng thức giấc? Phải chăng Trời Đất sẽ dành cho dân tộc Việt Nam, con Rồng cháu Tiên, dòng dõi Âu Cơ một thời điểm huy hoàng được chứng kiến Rồng Phượng song đôi? Tôi cảm nhận chúng tôi đang được Thày gợi mở đôi điều về truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân.

Khoảng 30 phút sau chúng tôi phải trở lại điện Tàu Cau vì sợ lát nữa khi ông mặt trời đi ngủ, trở xuống sẽ nguy hiểm. Tôi cùng Lãm vào Điện Mẫu thắp nhang xin Mẹ chỉ dạy về chuyến hành trình ngày mai. Mẹ bảo chúng tôi cần đi thêm một địa điểm nữa, (Lãm tìm trong ký ức và nói lên đó là đền Vĩnh Hanh. Vậy là trước khi đi rong chìm đá nổi chúng tôi sẽ ghé thăm đền Vĩnh Hanh) đồng thời chỉ dạy thêm rất nhiều điều cho các thành viên trong đoàn.

Tôi sợ quên nên nói to với Lãm và nhắc lại những điều Mẹ chỉ dạy để nó “nhớ phụ” tôi, đại ý mẹ Lành phải uống bài thuốc nghệ mật ong (có trong trang web “của quí Thày cho”), anh Hưng phải làm lễ cầu xin Trời Đất giúp cho khỏi bệnh tim và nên tập hít thở, tự chữa bệnh không cần dùng thuốc, còn Tiến thì chỉ được tôi chữa bệnh năm lần (đúng như Thày đã nói với Tiến ngay từ lúc đầu khi ở nhà mẹ Lành), phải bỏ uống thuốc tây, còn lại mọi thứ Mẹ sẽ lo…

Dòng chữ bí hiểm trên trần điện Tàu Cau

Vợ chồng anh chị Sảnh cai quản khu vực này cũng lên núi khi màn đêm buông xuống tiếp chuyện chúng tôi một lát rồi trở xuống. Mẹ Lành và tôi gửi chị một ít tiền nhờ mua bông trái cây để sớm mai cúng Mẹ vì mai là ngày 28 âm lịch, vía Mẫu. Tôi chợt nhớ tới câu nói trong dân gian:

“Mùng năm, mười tám, hai ba
Là ngày vía Mẹ, vía Cha đi mừng.”

Chị Sảnh bảo với chúng tôi, nếu muốn mua bông thì phải đi chợ rất xa, ở đây chỉ cần hái bông rừng cúng Mẹ. Tôi tưởng tượng chúng tôi sẽ hái được những nhành phong lan, những cành hoa màu tím biếc mà tôi vừa thấy ở trên bàn thờ thiên để dâng lên Mẹ.

Bữa tối hôm đó chúng tôi tự nấu cơm (gạo có sẵn trong bếp) ăn với muối mè chị Nga mang theo và “làm thịt” quả mít để tráng miệng. Đã hai ngày nay khi đi xa sợ không có toilet chúng tôi (nhất là phụ nữ) không không dám uống nước nhiều. Quái ác thay, lúc này trời tối quá, tôi lại mắc đại tiện nhưng ở đây không có toilet, anh Tứ “xung phong” dẫn tôi đi tìm chỗ. Hai chiếc màn to được giăng lên chứa hết tám người. Anh Tứ nằn nì tôi chữa cho anh cái khối u sau gáy và tả cảm giác khi được chữa bệnh năng lượng xuống 2 cánh tay và “buồn buồn” ở vùng khối u. Chúng tôi chìm vào giấc ngủ trong những tiếng kêu rả rích của côn trùng…

Buổi sáng trên núi thật sảng khoái, vài người trong chúng tôi lại trèo lên mỏm đá cao hướng về Đấng Sáng Tạo để thu năng lượng. Tôi nghĩ tới người mẹ già đang nằm trong bệnh viện và cầu nguyện Ơn Trên gia hộ. Những giọt nước mắt thương cảm mẹ già lăn trên đôi má, tôi nghe Thày nhắc con ngửa mặt lên trời. Tôi vâng lời Thày ngửa mặt lên trời: bầu trời cao xanh thẳm, một khoảng không bao la xâm chiếm tâm hồn tôi, tôi hiểu: lời nguyện cầu của con Chúa đã nghe…

Một làn gió mát, rồi mát lạnh kéo đến, tiếp theo là những đám mây đen chuyển thật nhanh. Mưa! Chúng tôi nhanh chân trở về Điện, bố Thuận đã chuẩn bị cho chúng tôi mỗi người một tô mì chay. Mưa to quá! Mưa phủ trắng cả một vùng núi, mưa hắt ướt hết khoảng gạch nơi chúng tôi ngồi, một vài dòng nước mưa luồn theo mạch đá núi nhỉu tong tong vào nơi chỗ tôi, mẹ Lành, anh Tứ và anh Hưng đang ngồi. Tôi nói với mẹ Lành: ngày hôm qua mình đi trời đẹp, nắng nhẹ, không mưa, Trời Phật thương và gia hộ cho chúng ta chứ nếu tối hôm qua Thày Mẹ cho mưa lớn như thế này thì khỏi ngủ. Mẹ Lành tỏ ra sốt ruột vì mưa lớn chị Sảnh sẽ không đi chợ và lên đây kịp.

Thấy Tiến đứng dưới bếp nhìn ra ngoài trời mưa, tôi chạy xuống và bảo Tiến rót một ly nước chín vào Điện Mẫu thắp nhang cầu xin Mẹ ban nhiệm mầu vào nước uống cho hết bệnh. Tiến đã làm theo tất cả những điều tôi “ xúi giục.” Anh Tứ và anh Hưng cũng vào thắp nhang lạy Địa Mẫu và được Mẹ chỉ dạy nhiều điều trong bước đường tu tập (thông qua tôi làm phiên dịch, trừ những điều Mẹ cho họ tự cảm nhận).

Khoảng tám giờ mưa đã tạnh hẳn. Một con sáo đen bay đến trước mẹ Lành kêu lên ba tiếng. Chúng tôi hiểu đã đến giờ tạm biệt các vị Sơn Thần ở đây.

Mẹ ơi, thế là đã đến giờ Mẹ giục bước chúng con lên đường. Chúng con đã không kịp đặt dưới chân Mẹ bó hoa rừng màu tím, nhưng một ngày nào đó tất cả chúng con sẽ dâng lên Mẹ những bông sen đỏ rực màu máu, là những trái tim của chúng con khi thành tựu - những búp sen quay ngược lên phía trên trong lồng ngực của chúng con, chắc hẳn lúc đó Mẹ sẽ rất vui.

Trên đường xuống núi chúng tôi gặp cô chủ nhà đang hối hả lên núi cùng với con chó cưng của mình. Chúng tôi cảm ơn và chào tạm biệt cô. Sau cơn mưa lẽ ra phải cảm thấy mát mẻ nhưng chúng tôi ai cũng thấy nóng phừng phừng trong người, có lẽ cơ thể đã xả bớt năng lượng tích trữ.

Xe phải dừng lại bên kia dòng kênh. Chúng tôi phải qua một cây cầu sắt nhỏ. Nói đến đền (đình) thường người ta liên tưởng đình thờ thần, nhưng không, chúng tôi được chứng kiến đây là ngôi đình thờ Tam Bảo (thờ Phật, một cách nói nôm na), đình Vĩnh Hanh thuộc xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang .

Chúng tôi dâng nhang lên bàn thờ Bác Hồ, bàn thờ Trăm Quan, bàn thờ Nguyễn Trung Trực và cuối cùng Ngôi Tam Bảo. Người quản lý ở đây chỉ cho chúng tôi tấm trần điều (vải điều) không hình chữ lọng trong kính ở tít trên cao và bảo mọi người nhìn vào đấy. Phần đông, theo trí tưởng tượng của mình đều thấy Mẹ Quan Âm, còn tôi thì thấy hình Đức Di Lặc. Riêng Tiến thì thấy hình Thái Thượng Lão Quân với bộ râu dài.

Rõ ràng là trong tâm khảm ta nếu khắc ghi hình ảnh của Đấng Thiêng Liêng nào thì “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Tôi nghe tiếng Thày chỉ dạy cho tôi: “Tất cả đều là Thày đó con”. Vâng thưa Thày, con đã hiểu “một là tất cả, tất cả là một”, nhưng hôm nay muốn viết ra cho các bạn cùng hiểu TẤT CẢ đều là CHA biến hóa ra để hóa độ chúng sinh.

Tôi lại nghe tiếng Diêu Trì Kim Mẫu nói :“Các con lại đây, quì dưới bàn thờ Tam Bảo.” Tôi hướng dẫn các thành viên trong đoàn làm theo, quì xuống chân Thày Mẹ, ngửa tay lên trời, trong khoảng 5 phút. Tôi nghe năng lượng trong người chạy rần rần. Mẹ bảo Mẹ đã ban năng lượng, và xả trược cho chúng tôi. Chúng con xin cảm ơn Mẹ.

Tôi lầm bầm điện thờ Mẫu người ta thờ Trăm Quan, đền Vĩnh Hanh thờ Bác Hồ, thờ Trăm Họ, không biết có mối liên quan gì đây? Bác vẫn bảo: “ Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải gắng sức giữ nước”. Bác đã hy sinh đã cả cuộc đời cho độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Các thế hệ ngày nay đang tiếp bước trên con đường mà Bác đã vạch ra vì Bác là Vị Thánh Anh Minh, là Vua Hùng tái thế. Bác vẫn là niềm tin, niềm tự hào của dân tộc:

Tháp Mười đẹp nhất hoa sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

Tôi chợt nhận ra rằng: Đảng và Nhà nước đã chính thức lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ Hùng Vương, đó là một biểu hiện của sự “uống nước nhớ nguồn” của cháu con. Đền thờ trăm họ mọc lên như nấm khắp nơi khiến cho con người ta cảm thấy được gần gũi với tổ tiên ông bà mình hơn. Phải rồi, bài học Thày cho nhớ về Cội nguồn là nhớ về Bác Hồ, các Vua Hùng với Trăm Quan, Trăm Họ; Mẹ Âu Cơ - Cha Lạc Long Quân với "một trăm bọc, một trăm trứng", người xuống biển, người lên núi tuy xa cách về địa lý nhưng tất cả đều là anh em một nhà như thế đó!
Bố Thuần, chị Nga, Tiến và tôi chụp một bức ảnh lưu niệm dưới chân Bác và tạm xa ngôi đình, đi tìm chỗ ăn cơm trưa. Tất cả kéo nhau về thị xã Long Xuyên, tiệm cơm Phát Tài. Anh Hưng hứa chiêu đãi đoàn, nên họ gọi nào là mực xào, nào là… tôi không biết những món gì nữa, chỉ biết họ đã ăn hết chắc vì đói ngấu.

Khoảng một giờ trưa chúng tôi lên đường tới điểm cuối cùng: Dinh Đá Nổi, Rong Chìm ở ấp Phú Tây, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Hai chiếc xe lăn bánh dọc theo dòng kênh Xua Đũa… Chúng tôi qua hai cây cầu và đến đoạn đường đầy sình lầy xe không qua nổi, buộc phải đỗ xe lại và tìm cách tiếp tục cuộc hành trình. Tôi bảo cháu Lãm đi xe ôm (ở đây họ gọi là xe đò) lên trên đó kêu mười chiếc xe ôm lên đây đón đoàn. Chờ mãi… chẳng có một chiếc xe ôm nào. “Vậy thì con đi tìm chiếc ghe bảo họ chở cả đoàn đi” vì trong khi ngồi trong xe tôi thấy những chiếc ghe đi lại trên dòng kênh nên thơ quá, và cứ thầm ước có thuyền rồng đưa chân đoàn đi. Cháu Lãm cũng không biết đi bằng ghe sẽ như thế nào. Một lát, như có sự sắp đặt sẵn của Bề Trên, chủ nhân một chiếc thuyền neo bên kia dòng kênh đã đồng ý chở chúng tôi đi mà không hề đòi hỏi, họ bảo ghe chúng tôi chỉ chở mía, nay giúp các bác, chúng tôi sẽ cho chở các bác đến đó và chở về.

Trừ Hiểu và hai người lái xe ở lại, chúng tôi xuống cỗ thuyền rồng rộng thênh thang, lướt sóng trên dòng kênh. Con thuyền đưa chân chúng tôi đến tận nơi (khác với những lần trước nếu Lãm dẫn đòan đi phải đi xe ôm, rồi đi bộ khoảng 100-200 mét mới tới nơi. Cũng là thêm một kinh nghiệm cho cậu ấy tìm con đường thuận lợi nhất cho khách hành hương).

Người trông coi ngôi dinh này giới thiệu với chúng tôi sự tích văn hóa của một thời được gọi là của dân tộc Óc Eo - tâm điểm của Vương quốc Phù Nam, dưới lòng đất là cả một sự huyền bí bắt nguồn từ Cam Ranh tới Hà Tiên (nhà nước đã hai lần khai quật di tích này vào năm 1982-1983 và 1993 và tính đến tháng 2/2005 đã phát hiện hơn 400 cổ vật, hàng vạn di vật ở sâu dưới lòng đất), ghi nhận dấu vết của đạo Bà La Môn còn để lại, những điều không thể giải thích được tại sao những hòn đá nặng như thế lại nổi lên trên mặt nước vào mùa nước nổi, mà rong dưới nước lại chìm, về sự tích chiếc ghế của vua trạm trổ rồng, mà theo họ đã có hai người do vô ý ngồi lên sau đó bị đau bệnh mà chết, về cặp rồng bằng gỗ chạm trổ rất tinh xảo được tìm thấy dưới đất khi khai quật vùng này. Anh Trình nói với chúng tôi, hiện nay theo sự hướng dẫn của Đấng Vô Hình người ta đang phục hồi bốn con rồng và bốn con qui thời kỳ An Dương Vương…Tôi cảm nhận những báu vật đó là di tích do Tổ Hùng Vương để lại.

Theo kết luận của tập san “Cổ vật tinh hoa” trong bài viết “Tiền cổ và sự liên quan giữa văn hóa Óc Eo với vùng Địa Trung Hải” thì nền văn minh Óc Eo còn bao gồm cả 12 tỉnh là An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, Sài Gòn-Gia Định. Văn hóa Óc Eo đã từng tồn tại trong nhiều thế kỷ, từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ VII, VIII sau công nguyên, được nhìn nhận là có một nền thương nghiệp phát triển rực rỡ và có mối giao lưu rộng rãi với thế giới bên ngoài. Cùng với khối lượng lớn sản phẩm ngoại nhập khác, những đồng tiền kim lọai và những hiện vật La Mã thuộc văn hóa Óc Eo phát hiện được ở đồng bằng sông Cửu Long, và ngược lại những sản phẩm giống với Óc Eo cũng được tìm thấy ở nhiều nơi xa đến tận Ba Tư và thế giới Địa Trung Hải là những bằng chứng vật chất cụ thể cho cách nhìn nhận đó.

Khi các bạn đọc những dòng này, nếu có hảo tâm có thể đóng góp cho nhà chùa xây dựng lại một địa danh mang tính chất lịch sử vừa có ý nghĩa về mặt vô vi.

Chúng tôi làm lễ đối với các Đấng Thiêng Liêng và hỏi Thày: “Thưa Thày Mẹ, Thày Mẹ chuyển chúng con đến nơi này, Thày Mẹ có cho chúng con biết thêm gì về nơi này?” Mẹ bảo tôi: “Rừng thiêng, nước độc.” Tôi tự luận chắc ở đây nguồn nước sẽ quí giá và có thể uống được. Thổ dân ở đây cho tôi biết ở đây có nước giếng, vậy là chắc giống giếng nước ở khu vườn kỳ lạ Long An, tôi chợt nghĩ và bước ra ngoài sau đề nghị xin họ một ít nước. Thày hướng dẫn tôi niệm thần chú vào lu nước, sau đó mỗi người uống một ít (chỉ trừ Tiến trong suốt cuộc hành trình chỉ ăn cơm không và không uống nước vì sợ đường tiêu hóa có vấn đề). Anh Tứ đã xin về một chai nước và sau này khi về thành phố Tiến đã uống nó không cần đun sôi.

Sau đó Mẹ hướng dẫn tôi ra một cái hồ (ao) sen hồng và nói với tôi rằng dưới đây là kho báu. Chắc là Mẹ muốn chỉ dạy cho tôi về nghĩa bóng của kho báu dưới hồ sen. Tôi sực nhớ ra năm câu thơ mà Thày đã ban tặng cho tôi vào đêm Noel, mừng Chúa Giáng Sinh vào ngày rằm tháng 12 năm ngoái:

“Sinh giáng ao vàng mới đáng TA.
Ao vàng một lối có ai về mau kẻo trễ đò,
Ao vàng vẫn nở một màu đa,
Ao vàng chen chúc người Minh Mẫn,
Gom thần ao mới hóa SEN VÀNG”

Tôi bảo cháu Lãm hái cho tôi một bông sen để lát nữa tôi dâng lên Ngôi Tam Bảo. Hai cô cháu đi tới mô đá nơi người ta xếp thành đống (một cách nghệ thuật) những tảng đá nổi. Mẹ bảo tôi xin lấy một cục và đã chọn cho tôi. Tôi để cục đá lên bàn khách và tiến tới điện Phật.

Con đã thầm ước dâng đóa sen trắng lên Đức Phật Thầy Tây An, giờ đây con kính cẩn dâng bông sen hồng mà cháu Lãm đã trình bày thật đẹp và quán tưởng chúng bất tận như nước trong nguồn, nhiều hơn núi Tu Di lên Đức Phật. Đây là tấm lòng của chúng con xin Trời Phật chứng giám.

Tôi ngỏ ý xin cục đá với anh Văn Công Trình - quản từ, anh Trình bảo: “Để tôi hỏi Thổ Địa đã.” Phút sau anh bảo, “Mẹ đã cho, chị cứ lấy tất cả đều phụng sự cho nhân loại, từ trước tới nay tôi chưa cho ai đá này đâu, mà chị có biết không cục đá chị cầm trong tay là rong hóa đá đó.”

Cục đá tôi đang cầm trong tay chỉ có thể là “xác con chim hoá đá” làm “rong chìm”, “chim đá nổi” chỉ có thể là con két (bạn còn nhớ chứ “chim đá đá nổi”?), và… chim bay lên hoá mào từ “rong biển” xanh tươi. Nếu bạn là người có đầu óc hay suy luận, bạn cũng có thể dùng thuật lái chữ để “mơ” “rong chìm” là Chim Rồng (Phượng Hoàng) cao quí ?

Mẹ Lành, tôi và các thành viên khác của đoàn cúng dường một ít tiền ghi vào sổ hoặc bỏ vào thùng công đức (vì nơi đây họ đang xây dựng rất cần những tấm lòng hảo tâm của chúng ta). Đoàn chúng tôi chụp ảnh lưu niệm trước mô “núi” “đá nổi”.

Thày Mẹ đã mở đầu cho chúng tôi thấy hồ sen trắng ở điểm dừng đầu tiên và đã kết thúc chuyến đi đầy thú vị của chúng tôi tại một nơi có hồ sen hồng – kho báu.

Trong lúc tôi đang hoàn tất bài viết này, Thày hỏi tôi liên hệ xem Thày muốn dạy gì cho chúng ta về sen trắng, sen hồng và sen vàng.

Thưa Thày! Con nghĩ sen trắng, sen hồng đều là sen, là sự tượng trưng cho tâm hồn cao đẹp, hay nói một cách khác tâm thanh tịnh của con người mà chúng con, tâm phân biệt còn thấy chúng qua màu sắc. Chúng con “vẫn nở một màu da”: Vâng, nhiều màu da, nhiều quốc gia lãnh thổ, nhiều sắc tộc, nhiều căn cơ nhưng những dòng máu đỏ ấy đã được Thày cho “sinh giáng” trong “ao vàng.” Chủ nhân của những bông sen đã và đang được Thày chỉ cho một con đường về với Thày - Tây Phương Cực Lạc, với Hội Long Hoa “ao vàng một lối có ai về mau kẻo trễ đò”. Chỉ có tu tập trong minh tâm kiến tánh chúng con mới “thấy” được “SEN VÀNG.”

Dọc đường về, Tiến cho chúng tôi hay thêm: ngay đêm ở Điện Tàu Cau khi ngồi thiền, trong mắt thấy rất nhiều pháo hoa (pháo bông), một dấu hiệu của sự chúc mừng…, tôi nghĩ thế. Sức khỏe của Tiến đã tốt lên nhiều: mười phần bớt sáu bảy.

Xe chúng tôi đặt bánh vào địa phận thành phố Hồ Chí Minh lúc mười giờ đêm ngày 3/5/2008.

Trong chuyến đi này chắc hẳn mỗi người đều có cảm nhận của riêng mình, người gặt hái được nhiều, người được ít, nhưng rồi tất cả cũng sẽ phải cố gắng phấn đấu để tu sửa hoàn thiện chính mình. Người có hồng phúc được Thày cho thấy Linh Ảnh sẽ rất vui mừng, củng cố thêm niềm tin vào Đạo, người chưa có nhân duyên cũng đừng vội buồn nản vì Đức Phật dạy:

“Tu mà tự tánh bất minh,
Tầm sư, học đạo, khó thành ước mong.”

Tất cả còn đang ở phía trước. Chúc tất cả các bạn thành công!

Thưa THÀY! Qua chuyến đi này, con thấm nhuần bài học THÀY cho con là BÀI HỌC LỊCH SỬ, bài học về tình yêu thương đoàn kết tương ái tương thân, biết sẻ chia biết hy sinh quyền lợi của mình vì lợi ích của người khác, bài học về tính vị tha, bài học đi người hành hương, bài học về Long Hoa Hội và trên hết, xuyên suốt cả chuyến đi này là bài học về NIỀM TIN vào ĐẤNG CAO CẢ đang dìu dắt đàn con dại trên bước đường trở về với Ngài. Chúng con xin quì dưới chân CHA MẸ, cảm ơn THÀY MẸ đã gia hộ cho chúng con, mở cho chúng con con mắt tâm để chúng con có tâm minh, trí sáng, để chúng con tu tập tiến bộ và cùng cộng đồng tiến hóa, thăng hoa mãi mãi, để ánh sáng minh triết của ĐẤNG VÔ CỰC dẫn dắt chúng con mau trở về với CỘI NGUỒN.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10 tháng 5 năm 2008
(Tức mùng 6 tháng 4 năm Mậu Tý)

No comments: