Sunday, August 17, 2008

# Ươm Mơ Sen Vàng (Phần 4)

ƯƠM MƠ SEN VÀNG

Phần 4: MÌNH ẢO

(KẺ THÙ CỦA TA LÀ AI?)

Người trình bày: Thái Minh Mẫn

“Anh tên gì hỡi anh yêu quí? Anh vẫn đứng lặng yên như bức thành đồng, như đôi dép dưới chân anh dẫm lên bao xác thù mà vẫn một màu bình dị sáng trong…Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất, dáng đứng tự hào, dáng đứng Việt Nam”. Lời một bài hát ca ngợi người anh hùng liệt sĩ Lê Anh Xuân đang là nguồn cảm hứng cho Minh Mẫn “mơ” (viết ) tiếp giấc mơ sen vàng, hình dung về những hình ảnh anh dũng, ngoan cường của người chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ tự do, độc lập cho Tổ Quốc, liên hệ tới bản thân trong cuộc chiến với cái tôi để chiến thắng chính mình.

Bạn hãy tưởng tượng rằng mình đang đứng giữa một trận địa, một mình đơn độc chiến đấu với hàng vạn quân địch. Mặc dù bạn bị bao vây tứ phía nhưng cuối cùng bạn vẫn chiến thắng. Rồi tưởng tượng bạn bách chiến bách thắng mỗi lần lâm trận. Đức Phật dạy rằng thắng vạn quân ngàn lần như vậy còn dễ hơn một lần chiến thắng chính mình.

Công việc của chúng ta khởi sự làm ở đây không phải là nhỏ. Hiểu được tâm của mình là điều khó khăn nhất trên đời này, nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta không làm được. Đơn giản một điều Đức Phật là người đi trước chúng ta đã phải đương đầu với hàng vạn quân địch này và đã chiến thắng chúng, để lại cho chúng một số lời khuyên và những lời hướng dẫn vô cùng hữu ích.

Điều trước hết muốn chiến thắng kẻ thù chúng ta phải tìm hiểu chúng, biết chúng là ai. Nếu không thấy được chúng, chúng sẽ trở nên những quyền lực chi phối đáng kể trong ta. Nhận diện được chúng ta sẽ có thể đối diện với chúng một cách dễ dàng hơn. Trong trận địa tâm ý này ta phải đối phó với năm kẻ thù có nhiều thế lực và học cách nhận diện chúng là điều thiết yếu đầu tiên, tiến tới đi sâu vào hiểu biết về chúng.

Đức Phật gọi năm kẻ thù ấy là Ngũ Trần Cái, tức là năm điều che bít, ngăn chặn không cho trí tuệ phát sinh. Đó chính là tham dục, sân hận, thụy miên, trạo hối và nghi hoặc.

Bạn còn nhớ tâm hành của 80 tâm sở mà Thầy đã chỉ dạy cho chúng ta? Dế Mèn ra đời là tâm thức đầu tiên xuất hiện. Vì Vô Minh làm điều kiện cho nghiệp lực do Dế Mèn tạo tác trong kiếp trước, (mà giáo lý nhà Phật gọi là Thức Tái Sanh), được hình thành hay khởi lên ngay khi Dế Mèn “tưởng” cái sung sướng, hạnh phúc của người khác (cha mẹ) là của mình. Tâm Hành là nhân mà Thức Tái Sanh là quả. Sự Vô Minh sinh ra Tâm Hành tạo nên nhiều nghiệp lực. Những nghiệp lực ấy làm phát sinh ra Thức Tái Sanh, điều kiện bắt đầu cho cuộc sống này của Dế Mèn. Và cũng vì có tâm thức đầu tiên ấy mà cả hiện tượng Danh, Sắc này mà Lục Nhập (những quan năng của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý được phát triển ngay khi Dế Mèn còn trong bụng mẹ mà bạn đã biết) phát sinh.

Rồi Lục Nhập lại làm điều kiện cho Xúc (sự tiếp nhận của những giác quan – Căn) khi tiếp xúc với những đối tượng của chúng (Trần) như là mắt với màu sắc, tai với tiếng động, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với cảm giác, ý thức với lại tư tưởng. Chính sự tiếp xúc của Căn với Trần khác mà Thọ (cảm giác dễ chịu, khó chịu hay trung hòa xảy ra trong từng sát na của tâm) sanh lên.

Bởi vì có Thọ nên mới có Ái (lòng tham dục ham muốn, khao khát một vật gì). Dế Mèn nhớ lại khi còn là một cục thịt đỏ hỏn lọt lòng mẹ cũng đã sanh lắm tật rồi: nào là đái ướt, đau bụng, đói, lạnh và những cảm giác khó chịu khác đều dùng tiếng khóc của mình để “dọa” ba mẹ nè; chập chững biết đi thì đòi đồ chơi nè, hay nhõng nhẽo đòi bà vú già bế suốt ngày rong chơi với những bụm cơm trong miệng không chịu nuốt; đi nhà trẻ, mẫu giáo thì ỉa đùn có những khi ba chở về nhà mà “truổng cời” ngồi sau xe đạp; lớn lên tí nữa thì đòi ba mẹ mua quần áo đẹp; thậm chí đến khi tốt nghiệp đại học là một cô gái rồi vẫn còn làm khổ ba mẹ vì đòi lấy chồng xa…Tóm lại là một “con” Dế Mèn chưa ngoan, chưa tròn chữ hiếu, tiếp tục tạo tác nghiệp trong cuộc sống này.

Trong những giây phút ân hận muộn màng như thế này, Minh Mẫn chợt nhận ra rằng trong cuộc đời này chúng đang muốn gì? Chúng ta muốn những hình ảnh, âm thanh dễ chịu, những mùi vị thơm ngon, những cảm giác, tư tưởng tươi mát, nhẹ nhàng. Chúng ta muốn vứt bỏ mọi điều làm cho ta khó chịu. Chúng ta bắt đầu khao khát hoặc trốn tránh những đối tượng của Lục Nhập.

Bởi chúng ta có tham dục nơi đối tượng của sáu giác quan kể cả ý thức nên ta muốn chiếm giữ, nắm bắt, ta nhận chúng là mình, gắn bó với chúng: ta luôn cho rằng vợ (chồng) con, tiền bạc, nhà cửa, sự nghiệp và cả cái thân tứ đại này nữa là của ta. Vì động cơ muốn nắm giữ (Thủ) đó ta bắt đầu tạo nghiệp, gây quả, tiếp tục tạo nhân cho sự luân hồi sinh tử của chính ta.

Vậy thì kẻ thù của chúng là là ai?

Kẻ thù thứ nhất là tham dục tức là sự đam mê ham muốn vào những cảm xúc nơi thân thể và các đối tượng của chúng. Lòng tham dục khiến tâm ta lúc nào cũng hướng ngoại, náo động, mất quân bình, hết đeo đuổi chuyện này sang chuyện khác như một con khỉ hiếu động tay chân táy máy liên hồi hoặc như một con sóc chuyền hết cành cây này sang cành cây khác. Bản tính của lòng tham dục là không có gì có thể làm thỏa mãn nó được. Sự tìm kiếm sẽ là bất tận và vô vọng. Chúng ta đang vui hưởng một điều gì đó, rồi nó cũng sẽ sanh và diệt như mọi hiện tượng khác, khi ấy ta trở nên bất mãn và lại đòi hỏi đi tìm thêm những thú vui mới. Chỉ đến khi nào ta chịu chấp nhận đối diện với lòng tham dục, bằng không lúc nào ta cũng cảm thấy thiếu thốn muốn đi tìm một niềm vui mới, một sự khuây khỏa nào đó. Lòng tham dục có nhiều hình thái khác nhau, nó có thể là một hình ảnh đẹp, một âm thanh du dương, những mùi vị ưa thích, một cảm giác êm dịu hay là những ý tưởng say mê. Dính mắc vào những đối tượng này sẽ làm củng cố thêm lòng tham của mình.

Chúng ta không thể phủ nhận trong đời này chúng ta luôn chìm trong tham đắm của dục lạc. Một người đàn ông đến tuổi lập gia đình ao ước tìm cho mình được một cô vợ xinh đẹp, hiền lành đảm đang, nhưng khi có rồi anh ta lại sao nhãng sáng đưa chiều đón người bạn mình như khi còn đang yêu say đắm, để mải mê bù khú với bạn nhậu hoặc mê mải trong quán bia ôm hoặc say mê vụng trộm với người tình. Người khác thì lại bảo tôi không có máu dê chỉ ham kiếm tiền làm giàu thôi. Anh ta lao vào những phi vụ làm ăn đến bạc cả mặt, đau bệnh cũng không dám nghỉ lấy một ngày đi khám chữa bệnh. Đại bộ phận chúng ta ưa ngon miệng nên phải sát sinh nuôi dưỡng “cái vị mặn” mà ta thường bao biện không thể ăn chay được v.v.. Kể sao hết được những chứng bệnh tham của chúng ta.

Chính vì lòng tham, tâm dính mắc níu kéo này mà ta đã tự trói mình vào bánh xe luân hồi sanh tử từ thưở nào đến giờ. Cho đến khi nào ta chiến thắng được lòng tham dục, ta mới có thể giải thoát ra khỏi được sự trói buộc của tâm dính mắc và lòng sở hữu của mình.

Kẻ thù thứ hai là tâm sân hận. Những tâm giận dữ, thù ghét, bực tức, khó chịu đều có chung một đặc tính là xua đuổi, tiêu diệt đối tượng của nó. Nó có một trạng thái rất hỗn loạn và bạo động. trong văn chương người ta thường diễn tả những người đang bị chi phối bởi lòng tham dục và sân hận là những người đang bị lửa nóng thiêu đốt. Khi ta đang có một sự đam mê hay nóng giận nào người ta nóng bừng bừng. Lửa tình hay lửa sân hận đều làm ta có cảm giác như thế, ta bị giày vò đau khổ. Người ta có câu “lửa sân hận có thể đốt cháy cả rừng công đức” ý muốn nói sức phá hủy thân tâm ta rất lớn. Nóng giận có thể làm cho con người mất khôn. Có nhiều trường hợp trong cuộc sống hàng ngày như chúng ta biết chỉ có cãi nhau qua lại rồi không kìm chế được nóng giận án mạng đáng tiếc xảy ra. Con cái học bị điểm kém ta chửi mắng chúng cho hả giận, bớt bực tức vì ta đã uổng công chăm lo cho chúng. Vợ chồng mất hạnh phúc vì không hiểu và không chịu nhường nhịn nhau v.v..

Kẻ thù thứ ba là thụy miên. Thụy miên có nghĩa là tâm làm biếng, uể oải, ham ngủ nghỉ. Dế Mèn thú thật với bạn nhé, khi còn nhỏ lười nhác lắm không chịu thức khuya học hết bài (mặc dù nhiều năm Dế mèn cũng được là học sinh tiến tiến nhưng thêm hai chữ suất sắc thì chỉ có đợi… kiếp sau. À mà quên Dế Mèn ứ chịu luân hồi nữa đâu), sáng dậy nằm ườn trên giường nhất là những ngày đông giá buốt không chịu dậy, mẹ phải giục năm lần bảy lượt dọa trễ học mới tuột xuống đất còn tiếc rẻ giấc ngủ. Giờ đây thì thực tập thiền định giãi đãi không tinh tấn, buông giò xuống khi tê chân sợ cặp giò của mình đau đớn, thèm ngủ hơn lao động, suy nghĩ. Dế Mèn có tệ quá lắm không bạn?

Minh Mẫn tự nhủ chúng ta phải chiến thắng được tâm uể oải và lười biếng này mới mong thành công được, chứ bằng không thì sẽ chẳng có việc gì làm xong, chẳng có chuyện gì là rõ ràng cả, tâm ta lúc nào cũng cảm thấy mờ mịt và nặng nề.

Tâm chướng ngại thứ tư là trạo hối. Trạo hối có nghĩa là là tâm xao động, buồn rầu, lo nghĩ, hối hận. Một tâm như vậy thì không thể nào có khả năng tập trung được. Nó luôn nhảy từ đối tượng này sang một đối tượng khác, lao chao, không có chút gì là chánh niệm cả. Tâm trạo hối ngăn chặn sự phát triển của trí huệ.

Trong cuộc đời chắc chắn một điều chúng ta luôn lo nghĩ, buồn rầu rất nhiều: lo không tiền bạc, nghề nghiệp không ổn định, con cái không ngoan, cha mẹ già yếu, bệnh nan y v.v..và cố gắng xoay xở để mọi việc được theo như ý mình, nhiều lúc ta bối rối không biết nên làm gì rồi đứng ngồi, ăn ngủ không yên đến lúc cơ thể suy nhược mệt mỏi, sanh ra đủ thứ bệnh thì tự giải thích là mình bị stress.

Kẻ thù thứ năm là tâm nghi hoặc. Lòng nghi ngờ vào giáo pháp, vào con đường mình theo. Có lẽ tâm nghi hoặc là một kẻ thù đáng sợ hơn cả. Trừ khi ta nhận diện nó, tâm nghi hoặc có thể làm cho trí óc mình trở nên vô dụng, ngăn chặn không cho ta nhìn sự việc một cách rõ ràng. Ta nghi ngờ về chuyện ta đang làm, về khả năng của chính mình. Nhưng khi bạn đến một nơi lạ, bước vào một môi trường mới chắc thế nào bạn cũng có những ý nghĩ “Tôi làm gì ở nơi này? Tại sao tôi tới đây? Liệu tôi có phù hợp với công việc hay môi trường này không???”

Năm điều ngăn chặn hay Ngũ trần Cái – tham dục, sân hận, thụy miên trạo hối và nghi hoặc đều là những tâm hành. Chúng không có Ngã, không có một bản chất thật sự, chỉ là một chuỗi nhân duyên hiện hành vô chủ. Xin lấy một ví dụ để diễn tả ảnh hưởng của những chướng ngại này đối với tâm chúng ta. Lòng tham dục được ví như những màu sắc sặc sỡ được pha vào nước. Nhìn xuống hồ, chúng ta bị lôi cuốn theo những vẻ đẹp và sự phức tạp của màu sắc sặc sỡ được pha vào nước mà không còn thấy được đáy. Tâm sân hận, khó chịu, thù ghét được ví như nước sôi. Nước đang sôi sùng sục bao giờ cũng rất xao động, chúng ta không thể nhìn thấu xuyên qua được. Sự náo động của tâm gây ra bởi phản ứng bạo động của lòng thù ghét, ác cảm là một trở ngại rất lớn cho sự hiểu biết. Tâm làm biếng trì trệ thì cũng giống như mặt hồ đang bị phủ một lớp rong rêu rất dày ta không thể nhìn xuyên xuống đáy hồ được. Tâm thụy miên rất là nặng nề. Còn tâm trạo hối, bất an thì được ví như mặt hồ bị những cơn gió thổi qua, mặt nước xao động. Tâm nghi hoặc giống như nước hồ bị vẩn đục vì bùn quấy lên. Trí tuệ của ta lúc này hoàn toàn bị che khuất vì sự mịt mù, tăm tối của tâm nghi ngờ.

Muốn chiến thắng kẻ thù thì phải tìm hiểu chúng. Bây giờ ta đã hiểu kẻ thù trên mặt trận tâm thức của ta là ai rồi, phần tiếp đến là tìm ra phương pháp đối trị với chúng.

Phương cách đầu tiên là ta phải nhận diện được chúng: chúng là ai cái tham hay cái sân v.v..

Đối với cái tham: như phần 3 “Điểm mở” (mừng ngày gặp mặt) Thày đã chỉ dạy cho Minh Mẫn phương pháp đối trị với cái tham. Trong cuộc sống tu tập hàng ngày ta thấy cái tham có mặt khắp mọi lúc mọi nơi qua các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, mồm và tâm ta:

Thấy tiền, của: ai là người không ham, người đó là bậc Thánh. Người ta nói rằng nếu bạn có tất cả của cải của thế gian này, dẫu bạn có được quyền uy như Chuyển Luân Thánh Vương lòng tham của bạn cũng vẫn không tìm thấy đáy. Những người đi tu trong thâm sơn cùng cốc không có dao du với bên ngoài có lẽ đối với họ tiền không cần thiết, không cần nắm giữ, nhưng ngoài đời nếu ai khuyên bảo ta tu rồi cần xả bỏ chuyện tiền bạc, nhiều người trong chúng sẽ phản ứng là “tu không tiền, Tiên không phép?” Mấy ai tránh được sự cám dỗ của đồng tiền, vàng bạc, châu báu, của cải? Minh Mẫn nhớ câu chuyện lịch sử Trung Quốc về nhân vật Hòa Thân đời Vua Càn Long - người dưới một người, trên vạn người. Ông ta là tham quan, giàu hơn cả vua, đến khi tài sản bị vua tịch thu có nói một câu đại ý đồng tiền mình tích góp được phải xài cho mình còn nếu không nó là sự giữ hộ người khác. Bạn thấy không đồng tiền bất chính thì trước sau của Thiên cũng trả về cho Địa. Hơn nữa khi chúng ta lột bỏ cái áo của màn kịch này, ta mang theo được chúng sao?

Sắc đẹp: sắc đẹp của người đàn bà quyến rũ những người đàn ông có khi làm tiêu tan cả sự nghiệp của họ (chắc bạn không quên câu chuyện lịch sử Trung Quốc Vua Trụ mê sắc đẹp của Hồ Quí Ly đến nỗi mất cả giang san); chúng ta ai cũng muốn được xinh đẹp nên dành rất nhiều thời gian chăm sóc, trang điểm cho vẻ đẹp bên ngoài: ở một vài quốc gia việc sửa sang thân thể, mặt mũi, dạy dỗ những cô bé còn rất nhỏ để lớn lên đi thi hoa hậu trở thành một ngành công nghiệp; muốn làm “đẹp lòng” thủ trưởng nhân viên cấp dưới phải sáng thăm, chiều viếng;

Danh vọng, địa vị: ai là người không ham mình được quyền cao chức trọng, được quyền sai khiến mọi người, tiền hô hậu ủng?

Ham muốn trường thọ, ăn ngon, mặc đẹp, được sống trong những điều kiện tiện nghi, văn minh ai là người nói không?

Ham muốn được sống tự do, ngủ nghỉ thoải mái: ai là người từ chối?

Và còn rất nhiều những điều ham muốn, tham dục như thế kể ra không thể hết. Đó là những ham muốn tiêu cực cần phải được từ từ loại bỏ.

Bên cạnh những ham muốn tiêu cực cũng cần phải kể đến những ham muốn tích cực như:

Ham muốn học đạo, tiến bộ không ngừng để ngày nào đó liễu đạo.

Ham muốn trải mình hành đạo vì lợi ích của chúng sinh.

Còn một loại ham muốn nữa mà Minh Mẫn tự hỏi không biết có phải chúng xuất phát từ tâm keo kiệt của mình xin nêu ra đây để tự thú với các bạn. Như bạn thấy đấy mỗi lần Minh Mẫn mua vật phẩm cúng dường Minh Mẫn hay tính toán mua thứ gì, bao nhiêu, mua nhiều sợ tốn nhiều tiền, sợ mình mang tội vì tâm keo kiệt tính tóan, mua đủ lễ hương hoa, ngũ quả thì sau khi dâng cúng ăn không kịp để thối phí phạm của trời.

Khi dâng cúng Thầy Mẹ, Ông Bà, ba Minh Mẫn với vài chung nước lã, vài nhánh bông và một ít trái cây nhưng Minh Mẫn thường khấn là “con kính dâng lên Thầy mẹ, các Đấng Thiêng Liêng, Ông Bà, ba những chén cam lồ thủy tuyệt hảo nhất thế gian, bất tận như nước trong nguồn, nhiều hơn nước Sông Hằng, những đóa hoa thơm ngát sặc sỡ muôn màu lung linh dưới ánh mặt trời, những rừng quả ngọt nhiều hơn Núi Tu Di”. Minh Mẫn cứ nghĩ tâm tưởng của mình sẽ có nhiệm màu hóa ra vô số vật phẩm cúng dường như vậy và sẽ được Ơn Trên ấn chứng (điểm này là tự Minh Mẫn nghĩ ra như thế đó). Minh Mẫn quá tham lam và keo kiệt có đúng không?

Thày chỉ dạy cho Minh Mẫn khi mua bán, và sắp xếp hương hoa dâng cúng không nên tính toán ít nhiều, hay dở, đẹp xấu, cứ để tâm thức tự làm.

Thày còn chỉ dạy thêm cho Minh Mẫn khi dâng cúng Trời Phật, trong thực tế chỉ có thể cúng chén nước và thắp một cây hương nhưng nếu quán tưởng toàn thể trời đất đầy vật phẩm cúng dường chúng ta sẽ được công đức tương xứng với sự dâng cúng ấy. Như Kinh Hoa Nghiêm nói: “Phần lớn vật cúng dường là những tàn, lọng”, nghĩa là những thứ bạn cúng dường là tàn lọng, tràng phan, bảo cái v.v.., bạn nên cúng thêm hương hoa, đèn, trầm, thực phẩm. thực phẩm thì phải quán có nhiều hào quang vây quanh.

Và nên đọc Thần Chú biến hóa thành nhiều đồ cúng hoặc chú cúng dường như sau (ba lần):

Om nama bhavagate, vajra sara pramardane tathagàtaya, arhate samyaksam buddhaya, tadyathà, om vajre vajre, mahà vajre, mahà tejra vajre, mahà vidya vajre, mahà bodhicita vajre, mahà bohdi mandopa samkramana vajre, sarva karma àvarana vishodhana vajre svàhà”. (Đọc theo âm tiếng Việt có phân biệt x, s là om namơ bavagát, vai-i-ra xarơ pramađan tatagatai-ia, arát xam-mi-ắc-sơm buđa-ia, tađi-i-ta, om vai-i-re vai-i-re, maha vai-i-re, maha tei-i-ra vai-i-re, maha viđia vai-i-re, maha bôđixita vai-i-re, maha bôđi manđôpa xamcờramana vai-i-re, xácva cama avaranơ visôđana vai-i-re xva-a).

Nếu tụng Thần Chú này thì một số lượng khổng lồ vật phẩm dâng cúng sẽ mưa xuống trên Cha Mẹ, Chư Phật – những Đấng Chiến Thắng mặc dù ta chỉ có thể cúng rất ít vật phẩm có thực.

Bạn cũng có thể dùng Cam Lồ Thủy Chơn Ngôn để “mưa” thực phẩm xuống cho Quỉ Đói như sau: “Nam mô tôrô bàda, đát tha nga đa da, đát điệt tha. Án tôrô, bát ra tôrô, bát ra tôrô. Tabàha” (ba lần).

Bạn cũng có thể dùng Vãng Sanh Quyết Định Chơn Ngôn hay Vãng Sanh Tịnh Độ Thần Chú (xem trong bài “chiếc máy niệm Phật và giấc ngủ”) để “mưa màu nhiệm” thoát khỏi địa ngục cho những chúng sinh đang bị giam cầm.

Nhân đây Minh Mẫn xin Thầy chỉ dạy về công dụng chủ yếu của các bài Thiện Chú mà Thầy đã chỉ dạy cho Minh Mẫn ghi chép lại cẩn thận, đã được đề cập trong bài “chiếc máy niệm Phật và giấc ngủ”:

Ý nghĩa Thần Chú 1: Người niệm “Như Ý Bảo Luân Vương Đà La Ni” Thần Chú sẽ luôn có những “giấc mơ” (những điều bạn nguyện cầu mong muốn chính đáng) “như ý mơ” do Phật Mẫu Diêu Trì thể hiện màu nhiệm “mơ” (đôi khi “mơ” của bạn hơi tham lam quá cũng được Mẹ ban phước vì “điểm mở” cho bạn giác ngộ đạo pháp) qua bánh xe pháp luân thường chuyển (bảo luân).

Ý nghĩa Thần Chú 2: Chúa Tể của Càn Khôn Vũ Trụ, Cha của muôn vật muôn loài: Ngọc Hoàng Thượng Đế Vô Cực Đại Thiên Tôn sẽ giúp cho người niệm “Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú” được tai nạn tiêu trừ, mọi việc tốt đẹp, hanh thông.

Ý nghĩa Thần Chú 3: Công đức của Thánh Nhân niệm “Công Đức Bảo Sơn Thần Chú” sẽ cao như núi Tu Di, nhiều như nước Sông Hằng.

Ý nghĩa Thần Chú 4: Trong lời bài chú cũng đã thể hiện: Mẫu Chuẩn Đề Đại Từ Bi sẽ gia hộ cho con nào niệm Thần Chú này, vậy bạn cứ yên tâm niệm cho thật nhiều để được Mẹ che chở. Người niệm Chú Chuẩn Đề nếu biết cách bắt ấn đúng sẽ nhận được dòng thanh điển cực mạnh phóng từ trên bách hội xuống khiến trí huệ bạn được khai mở nhanh chóng. Những người tu tập theo Mật Tông thường sử dụng Thần Chú này và Ngũ Bộ Chú :

Om ram

Om tri zim

Om mani padme hum

Om sa lê chu lê chuân đê soa ha

Bơ rum”.

(Âm Hán Việt: Án lam. Án Xỉ lâm. Ám ma ni bát di hồng. Án chiết lệ chủ lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha. Bộ Lâm).

cộng với bắt ấn làm “xương sống” cho việc luyện tập để phát triển huệ nhãn nhanh chóng, họ sẽ được Mẹ nói nhỏ nhỏ bên tai, chỉ dạy đạo pháp cho họ tu tập giải thoát.

Ý nghĩa Thần Chú 5: người niệm “Thánh Vô Lượng Thọ Quyết Định Quang Minh Đà la Ni” Thần Chú sẽ được thọ nhận Thánh vô lượng.

Ý nghĩa Thần Chú 6: Đức Phật Dược Sư sẽ ban cho người niệm “Dược Sư Quán Đảnh Chơn Ngôn” Thần Chú những viên linh dược giúp bạn hết bệnh khổ của thân (kể cả những bệnh nan y) và tâm.

Ý nghĩa Thần Chú 7: Mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát Đại Từ Bi, Linh Cảm Quảng Đại sẽ hiện linh để cứu khổ, cứu nạn cho người niệm “Quán Âm Linh Cảm Chơn Ngôn” Thần Chú.

Ý nghĩa Thần Chú 8: người niệm “Thất Phật Diệt Tội Chơn Ngôn” Thần Chú dù có gây ra những tội lỗi lớn lao cũng được tiêu trừ do được Vô Lượng Đức Phật xá tội, do được Mẫu Mẹ Quan Âm mưa màu nhiệm mong người niệm sám hối sửa chữa lỗi lầm.

Ý nghĩa Thần Chú 9: “Vãng Sanh Tịnh Độ Thần Chú” dùng để tụng niệm, cầu nguyện cho người chết được siêu thoát về Cõi Tịnh Độ (Tây Phương Cực Lạc).

Ý nghĩa Thần Chú 10: người niệm “Thiện Nữ Thiên Chú” sẽ được Mẹ Địa Mẫu gia hộ cho bản thân có cuộc sống và con đường tu tập tốt đẹp, thuận lợi.

Bạn còn chần chừ gì nữa mà không chọn cho mình một “khẩu quyết thiện chú”? Hãy tham niệm Phật, niệm Thần Chú, tham làm việc thiện, giúp đời một cách tích cực rồi những tham dục tiêu cực trong chúng ta sẽ dần biến đi, nhường chỗ cho những phẩm chất tốt đẹp.

Còn việc đối trị với kẻ thù thứ hai của chúng như thế nào? Tất nhiên ngoài việc nhận ra nó khi chúng vừa khởi lên sẽ giúp ta dần dần vượt qua chướng ngại.

Bạn sẽ phải nhận diện và tự nhủ với mình, sân hận sẽ làm mình mất tự chủ, tính nóng giận sẽ làm mình “mất khôn”, sẽ làm mình mất ngủ, tăng huyết áp và nói chung có hại cho sức khỏe và thần kinh.

Minh Mẫn rất thích phương pháp chinh phục sự nóng giận mà Minh Sư Darshani Deane đề nghị: một là xóa bỏ (delete) những thói quen thích ăn cá thịt vì chúng có nhiều trược điển (xin xem thêm bài Đọc sách dùm bạn “thức ăn và sức khỏe” trên trang “chăm sóc sức khỏe” mà Minh Mẫn đã giới thiệu với các bạn), kích thích tức giận, dâm dục, giảm bớt việc xem các chương trình, đọc những sách bạo có nội dung, hình ảnh khêu gợi, kích thích tính dâm dục, nóng nẩy, bạo động; hai là kiểm soát (control): khi chúng ta nói nhiều chúng ta mất năng lực, sự mất năng lực tạo nên sự tức giận. Do vậy chúng ta nên kiểm soát việc ăn nói, phát ngôn bừa bãi, nên giữ yên lặng (tịnh khẩu càng nhiều càng tốt); ba là nếu đã kiểm soát được rồi thì nên “thêm vào” (insert) hay thay thế những thói quen xấu bằng những thói quen tốt như luyện tập yoga, thiền định giúp thân xác khỏe mạnh, làm êm dịu thần kinh.

Còn nếu khi ai chửi mắng, nhục mạ, nói xấu chúng ta, xin hãy niệm Phật cho tâm dằn xuống và nhớ lại câu chuyện như sau: Một bữa kia Đức Phật đang thuyết pháp thì có người đến công kích Ngài bằng những lời vô cùng mất lịch sự. Đức Phật hỏi người đó rằng: nếu anh đưa cho tôi một tờ giấy mà tôi không nhận thì sao? Người kia trả lời: nếu Ngài không lấy thì tôi giữ lại tờ giấy đó chứ sao nữa. Đức Phật bèn nói: “Đối với các lời nhục mạ của anh, tôi cũng làm đúng như vậy. Tôi không nhận nó và nó ở lại với anh”.

Minh Mẫn còn có một kinh nghiệm khi giận dỗi ai hay buồn bực ai vì một việc gì đó là Minh Mẫn tự hỏi “cái giận”, “thằng buồn” ấy là này cái giận, thằng buồn mày ở đâu, ra đây cho tao xem mày ngang, mũi dọc của mày như thế nào. Lúc đầu nó sẽ xổ ra cho bạn một hơi lý do, bạn cứ hãy chịu khó nghe nó lải nhải. Rồi cứ tiếp tục hỏi nó năm lần bảy lượt, tức khắc nó bí nó sẽ chịu thua thôi. Một cách khác nữa để xử lý “con giận” (chứ không phải con rận (chấy) đâu nhé) là khi bạn ghét người nào đó kẻ địch của bạn tô vẽ cho người nó không ưa nhiều đặc tính xấu. Nó càng tô vẽ nhiều đặc tính xấu bao nhiêu, bạn phải tìm ra những đặc điểm tốt của người nó ghét bấy nhiêu để đặt cạnh bức tranh nó vẽ, càng nhiều càng tốt.

Minh Mẫn nhận thấy tâm lười biếng, buồn ngủ thì “hơi” khó trị vì nhiều khi khó lấy lý trí để chiến thắng chúng. Đôi khi Minh Mẫn cũng hay làm biếng lắm, ngủ chẳng muốn buông màn để cho muỗi thịt chơi, rồi gãi như gãi ghẻ, đôi khi xem tivi rồi “phê” luôn, giật mình tỉnh dậy “thấy trời khuya lắm rồi, mà sao mình vẫn ngồi… ngủ”, hối hận vì quá thời gian phải công phu rồi. Nói vậy thôi chứ nhiều lúc Minh Mẫn cũng phải tự chiến thắng bản thân bằng cách đứng dậy đi lại, tập hít thở theo phương pháp Thầy chỉ dạy, hoặc tắm gội, lập tức mệt mỏi, buồn ngủ biến mất và đầu óc lại minh mẫn, tỉnh táo như thường, bạn không tin mỗi khi mệt mỏi hay buồn ngủ hãy thử lắng tâm, tập hít thở sâu xem Minh Mẫn có nói dối không nào. Đừng bao giờ để cho lười biếng của bạn dẫn bạn đi ngủ bỏ thói quen công phu hay thiền định hàng ngày của bạn.

Tâm lo nghĩ và bất an cần có chánh niệm đối trị. Bạn hãy làm giống như Minh Mẫn gọi danh tánh nó ra như xử sự với buồn rầu, giận hờn và quan sát nó, đừng đồng hóa với nó. Chẳng hạn, bạn hãy tự nhủ những lo lắng đó, bất an đó là tự mình tạo ra vì mình quá lo lắng cho chồng con, không yên tâm với việc làm của họ, chứ họ thừa năng lực để làm việc đó, hoặc giờ này mình đang lo lắng, bất an nhưng chồng con mình đang yên ổn, hạnh phúc vì họ đang làm những điều họ muốn, vì những việc ấy xảy ra là theo ý muốn của Thượng Đế, những điều mình lo lắng như thế tạo nên luồng trược điển có hại cho mình, tác động xấu lên chồng con mình vì mình đang hướng về họ…và bạn cần tạo ra những yếu tố tích cực khi nghĩ về đối tượng hay sự việc đó. Khi những buồn rầu lo lắng bất an lắng dịu xuống, bạn nhìn thẳng vào nó và sẽ thấy nó không có thật, mà đó chỉ là bức tranh trong “dữ”mơ mà bạn đã tự vẽ cho mình. Một cách khác bạn có thể chế ngự “giữ” mơ (cơn giận dữ) bằng cách niệm Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú để lửa lòng của bạn nguội hơn, và mọi việc hanh thông.

Ta cũng có phương pháp đối trị Tâm nghi hoặc (hay đa nghi Tào Tháo tâm). Tâm nghi hoặc của bạn khiến bạn lúc đó giống như một con thú bị sập bẫy hay như một con chim bị trúng tên của người thợ săn. Giờ đây đi đường nào, làm gì bạn cũng phải dò xét, đề phòng vì sợ bị sập bẫy hay trúng tên một lần nữa, tim bạn sẽ đập loạn nhịp vì bạn bị bối rối không biết nên quyết định ra sao, bạn nghi ngờ vào chính khả năng của mình. Nếu có ai đó đề nghị với bạn phương cách giải quyết bạn cũng không đủ sáng suốt để nhận định đúng sai. Tâm nghi hoặc sẽ còn dẫn bạn đến nhiều nghi hoặc khác, đến những gút mắc khác khiến bạn như lạc vào rừng rậm không có lối ra, cuối cùng bạn phải dậm chân tại chỗ không có tiến bộ nhất là khi bạn nghi ngờ chánh pháp. Bạn hãy nhận diện ra nó, đừng hòa đồng với nó, đừng để nó dắt bạn vào những con đường rối rắm của trí tưởng tượng vô minh. Hãy cởi mở tấm lòng rộng lượng, vị tha, buông xả của mình dần dần bạn sẽ thấy việc bạn nghi ngờ là bạn tự lừa dối mình, không có lý do gì mà bạn phải nghi ngờ những người mà trong nhiều kiếp trước đây họ đã là cha, mẹ, anh chị em, các con thân yêu của bạn. Bạn hãy niệm Phật, niệm Thần Chú để trấn tĩnh, định tâm mình lại.

Chúng ta thường có thói quen là hay xua đuổi và đàn áp mỗi khi tâm xấu khởi lên. Tâm đàn áp xua đuổi tự nó cũng đã là một chướng ngại, vì ta làm cho kẻ thù mạnh lên. Chúng ta không quên câu nói: “theo tình, tình phụ, phụ tình, tình theo” hoặc “lửa tình càng dập càng nồng” cũng là một cách ám chỉ ta không nên bám víu vào bất cứ cái gì, cứ buông xả ta sẽ không phải mỏi mắt trông chờ thứ ta cần sẽ đến với ta ví như bạn đang bí khi giải một bài toán khó, bạn đứng lên thư giãn một lát khi trí óc minh mẫn bạn sẽ tìm ra đáp số; và khi lửa đang cháy đừng có đổ dầu thêm. Khi chúng xuất hiện chỉ cần quán chiếu chúng, không phân tích, không phê phán. Chánh niệm có khả năng vô hiệu hóa chúng. Hãy định tâm bằng cách niệm Phật, niệm Thần Chú, minh mẫn đến, tâm xấu tự rút lui.

Tuy đã nhận diện được kẻ thù của chúng ta là ai và tìm ra phương pháp đối trị với nó, nhưng việc đối trị chúng không đơn giản, không thể ngày một ngày hai mà chúng ta giành chiến thắng hoàn toàn. Vì sao vậy?

1/ Vì giặc ở quanh chúng ta, chúng xuất hiện mọi lúc, mọi nơi khi dụ bạn bằng những viên kẹo, khi làm bạn mất tinh thần, mệt mỏi, thủ tiêu ý chí chiến đấu của bạn.

2/ Vì kẻ thù của chúng ta cũng càng ngày càng mưu mô xảo quyệt, thậm chí chúng còn trường kỳ mai phục chờ cơ hội phản công bạn, nếu chúng ta không tỉnh táo cũng dễ bị mắc lừa chúng.

Do vậy bạn phải:

1/ Luôn kiên trì, không nản chí thối lui trong mọi hoàn cảnh. Bạn nên luôn duy trì nếp sống lành mạnh, giản dị, thực hiện chánh pháp để duy trì thân tâm khỏe mạnh, minh mẫn.

2/ Luôn can đảm: đừng bị nô lệ vào thành kiến và những cố chấp của mình, để chấp nhận những điều có thể được khác. Thành kiến thường gặp là chúng ta có sự phân biệt đạo này, đạo kia, pháp này pháp kia từ đó ta cố chấp và bảo vệ cho đạo của mình là hơn đạo của người, pháp của mình đang hành hay hơn pháp của người. Bạn nên buông bỏ những tà kiến đó.

3/ Luôn biết chờ đợi có nghĩa là sự tĩnh lặng của tâm trong bất kỳ một hoạt động nào. Nếu chúng ta cứ lo bận rộn đi “hoằng pháp” (nhiều bạn còn gọi là cứu nhân độ thế, hay giúp đời v.v..), ta sẽ không có được một cái nhìn rõ ràng, ta sẽ không thể nhận ra được sức mạnh và sự hiểu biết phát sinh từ sự lặng thinh, và nhất là ta sẽ không ngừng được sự đối thoại trong nội tâm - sự ngăn chặn mối liên hệ của ta với bên ngoài một cách tự nhiên. Chấm dứt những đối thoại trong nội tâm của mình là khả năng chờ đợi và lắng nghe.

4/ Luôn dũng mãnh, tinh tấn: bạn không sợ bất cứ khó khăn thử thách nào, dũng cảm bước tới dù thân xác bạn có thể ốm đau, yếu đuối, dù bạn ở tuổi gần đất xa trời, dù bạn có bị thiệt thòi về vật chất. Lòng đam mê tu tập, cầu tiến bộ sẽ giúp bạn vượt thời gian, vượt qua những trở ngại, thử thách, tâm bạn sẽ được nhẹ nhàng thanh thản, trong sáng. Sự tinh tấn, lòng dũng cảm của bạn một ngày nào đó sẽ được đền bù xứng đáng: bạn chinh phục được kẻ thù và chúng sẽ quay lại làm trợ thủ đắc lực cho bạn trên con đường tới Hội Long Hoa. Chúng ta có quyền nuôi hy vọng một ngày nào đó liễu đạo chúng ta sẽ giải thoát khỏi khổ đau, xung quanh chúng ta sẽ không còn kẻ thù, tất cả là bạn, là tình yêu, là ánh sáng minh triết hòa chung với ta thành một khối không chia cắt, đẹp như “mơ” có đúng thế không hả các bạn?

Ngày nào tâm ta vẫn còn bị chi phối bởi những chướng ngại nói trên, ta sẽ khó có thể phát triển được trí huệ và hiểu biết. Trong những ngày đầu, ta sẽ cảm thấy nhiều bất an, nghi ngờ và ham muốn, cho đến khi nào tâm ta tạm lắng xuống. Nhưng những trở ngại ban đầu không phải là những trở ngại cuối cùng. Khi khả năng quán chiếu sâu hơn, những chướng ngại ấy sẽ lại phát khởi lên. Nhưng lúc này ta đã tự tin vào cách đối trị của mình, nhất là khi ta thấy rõ sự sanh diệt của chúng. Hiểu được tính chất vô thường của chúng, tâm ta lúc nào cũng sẽ giữ được thăng bằng. Xin bạn hãy luôn là dũng sĩ quyết thắng trên mặt trận tâm thức: đối diện với mọi hoàn cảnh của cuộc đời như là những thử thách, ứng phó một cách vẹn toàn mà không bao giờ than vãn hay hối hận như các binh sĩ tinh nhuệ trong đội quân thần tốc của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Họ đã phải cõng nhau chạy liên tục, còn ta cũng phải chia tay với “mình ảo” để không chạy mà “bay” cho nhanh giành chiến thắng vì thời gian không còn nhiều, ngày giờ Hội Long Hoa sắp đến, Cha Mẹ đang nóng lòng chờ đợi chúng ta. Hãy duy trì sự liên tục và tinh tấn về chánh niệm của mình. Chỉ có một tâm an tĩnh và mềm dẻo không suy chuyển mới có thể vượt qua được những chướng ngại này, để vươn tới giấc mơ Sen Vàng, tới Chân Thiện Mỹ và “mùng màn” Mở.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13 tháng 8 năm 2008
Tức 13 tháng 7 Mậu Tý