Monday, June 30, 2008

# Ươm Mơ Sen Vàng (Phần 2)

PHẦN II: SUM HỌP

Điểm “Mơ”

Người trình bày: Thái Minh Mẫn

“ Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.”

Câu ca dao ấy khiến tôi mường tượng đến cảnh hạnh phúc gia đình của cặp vợ chồng miền thôn quê sớm tối quần quật “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” sum họp vui vẻ quanh mâm cơm chiều. Gia đình hạnh phúc là nền tảng của một xã hội tốt đẹp, văn minh, công bằng. Để có được hạnh phúc ấy mỗi người phải sống vì người bạn đời, họ phải tìm thấy nửa của người kia trong mình, tức là “mơ” tìm thấy sự hòa hợp giữa thể xác và tâm hồn, giữa âm và dương, giữa hữu hình và vô hình.

Tôi muốn quay lại cuốn “Vô Tự Chân Kinh” bằng liên hệ đoạn sự hình thành thân khẩu ý của bào thai với sự hình thành các kinh mạch, khí và giọt trong “Kinh Phật Thuyết Bào Thai”.

Để tôi xin Thày (Thái Thượng Lão Quân) cho tôi một viên dược linh biến tôi hành chú Dế Mèn kể tiếp chuyến “phiêu lưu” của tôi trong bụng mẹ cho các bạn nhé.

Sự ẩm thấp, ngột ngạt, tối tăm trong này khiến tôi (Dế Mèn) muốn mạo hiểm tìm nơi sáng sủa, tìm đường thoát thân. Tôi cố vùng vẫy nhưng càng vùng vẫy tôi càng cảm thấy ngợp vì hình như cái phao (nhau thai*) (dấu*: chú thích của tác giả) – bình cung cấp dưỡng khí của tôi sắp bị lủng. Tiếng sấm rền mỗi lúc một to quanh đây (tiếng rên của người mẹ*) làm tôi hoảng sợ tột cùng. Tôi nhắm mắt nhắm mũi liều mình “đùa mơ” (co cẳng đá phốc một cái) vào bức tường cứng như đá ấy. Thật không ngờ một tấm thân yếu ớt như tôi lại có sức mạnh đến như thế. Một tiếng nổ vang trời (người mẹ vỡ ối*) thủng màng nhĩ tôi. Tôi cảm thấy biển nước mà tôi “đùa mơ” (ngụp lặn) trong đó từ từ cạn đi và mình đang được dòng nước (nước ối*) cuốn đi qua một đường hầm tối om, ẩm ướt đầy rêu phong (âm đạo người mẹ*). Đây rồi! Màn “mở” (tấm phông chuẩn bị được kéo ra cho em bé chuẩn bị chào đời*). Một màn (màu) trắng xuất hiện làm mắt tôi chói lòa. Tôi cố mở mắt ra nhìn xung quanh không thấy cái biển nước mà tôi quen “đùa mơ” ngày trước nữa. Tôi thấy ngộp thở quá. Hai chân tôi lúc trước khỏe thế mà giờ đây không giãy dụa được (ai đó đã túm hai chân tôi lên dốc ngược*), nước trong miệng tôi văng ra tung tóe vì hình như có cái gì đó lọt vào miệng tôi (ai đó đã móc đờm dãi trong miệng tôi*). Tôi cảm thấy ân hận giá như mình cứ hồn nhiên vui đùa trong cái biển nước ấy thì bây giờ mình không bị trói buộc và chết ngạt như thế này. Tôi nhắm mắt lại tính kế thoát hiểm. Tôi nhớ ra là mình phải cầu cứu mẹ thôi. Tôi gọi mẹ thật to (tôi khóc chào đời đấy*). Tôi lắng nghe âm thanh gì đó lại nổi lên (tiếng ai đó kêu lên: “bé gái”*), nhưng lần này nó cũng chẳng làm tôi êm tai được chút nào. Tôi thấy khó chịu vì đầu óc quay cuồng, và thầm trách mẹ sao không bơm bong bóng xà phòng nhiều vào cho tôi vui đùa. Tôi lơ mơ thấy mình nằm trên một tấm ván mềm (ai đó đang bế tôi*) lướt đến (đặt tôi*) một khoảng trắng xóa (chiếc bàn trải ra trắng tinh*). Âm thanh chát chúa lại vang lên (tiếng dụng cụ loảng xoảng*), rồi lục bục (ai đó cầm sợi dây rốn tôi*) làm máu huyết trong tôi nhộn nhạo. Tiếng sét vang lên (ai đó xoẹt đứt sợi dây rốn của tôi*). Tim tôi muốn vỡ ra từng mảnh và tôi ngất đi. Tỉnh lại tôi thấy mình nằm bên cạnh mẹ. Tôi đã chào đời như thế đó.

Chính khoái cảm của cha mẹ mà Hương Thực Ấm (Dế Mèn) đã lầm tưởng là của mình đã gây tai hại cho nó. Nó đã không thể quên được cái tôi cố hữu của mình, cố chấp rằng mình đang thấy và có đối tượng nhìn thấy. Cảnh tượng long phụng hợp cẩn của cha mẹ nó khiến nó tưởng nó là con phụng trong màn hợp cẩn, và thực thể cảm xúc của long phụng là của nó. Bạn xem lại Đức Phật chỉ dạy trong đoạn Kinh Phật Thuyết bào Thai: “Khí gây ra các hiện hành của tâm sở trong trạng thái trung ấm tan rã, và lúc đó, màn tâm thức xuất hiện, đỏ tăng và đen cận mãn hé rạng theo thứ tự. Các thứ này và ánh tịnh quang của sự chết của thần thức hiện ra rất nhanh chóng”. Sau giây phút ngất ngây với ảo cảnh, dòng tâm thức của nó xuất hiện. Cánh cửa ngôi nhà đầu thai mở ra cho nó với màu đỏ (màu huyết mẹ - noãn) vì nó đang cho nó là con phụng. Tinh cha phóng vào noãn người mẹ như con dao cắt vào da thịt nó khiến nó cảm thấy đau choáng váng mày mặt là lúc “đen cận mãn hé rạng”.

Đức Phật chỉ dạy: “Các dấu hiệu ảo tượng đến tịnh quang xuất hiện, và từ trung tâm của chất tinh và huyết hòa trộn – tình trạng tương tợ ánh tịnh quang kéo dài, tạo thành sợi dây liên hệ với đời sống mới. Sự tái sinh và sự tạo thành của tâm cận mãn của tiến trình ngược xảy ra đồng thời.”

Từ ảo cảnh thấy long phụng hợp cẩn, đến việc tưởng mình là con phụng khiến Hương Thực Ấm trở thành người “thừa ngơ ngẩn mơ” (lạc hồn vì sung sướng của mẹ cha nó) khiến nó tự mở cánh cửa đầu thai cho nó như đã phân tích ở phần I. Lẽ ra Dế Mèn nên “mượn” ảo cảnh “mây mưa” (phút giây thiêng liêng) đó làm sân khấu để làm khán giả trong “mơ ngó” thì trong giây phút khoái chí tình thâm tán thưởng vở kịch “Đùa Mơ” (Long Hổ Hội) đến mức nhảy lên sân khấu “mưa mây” (hòa nhập) với diễn viên đóng vai phản diện mà nó “ghét” (do hờn ghen). Hậu quả “đùa mơ” (của ly rượu giao bôi) là ánh tịnh quang của sự chết của thần thức hiện ra, và cũng là lúc nó tái sinh.

Chắc bạn đọc sẽ đặt ngay câu hỏi tại sao Minh Mẫn lại suy luận rằng Dế Mèn đóng vai phản diện mà nó ghét (con phụng) trong màn kịch “Long Hổ Hội.” Để Minh Mẫn lý giải việc này cho bạn xem có logic, hợp lý hợp tình không nhé.

Khi thấy cha mẹ mây mưa, Dế Mèn (thân gái) do “bản năng thích nô đùa” nên động cảnh sinh tình, “đam mơ” (ước muốn) được gần gũi người mình yêu thích. Nó không thể làm gì được trừ phi phải dùng “thần thông” của mình chui vào trong người mẹ để chiếm lĩnh lấy cảm giác sung sướng ấy. Nó đã muốn độc quyền sở hữu người nó ham muốn, muốn tách lìa “đối thủ” của nó, nhưng sự thật “ghét của nào Trời trao của ấy”: nó đã được trao “đùa mão” (đóng vai) phản diện mà nó “ghét”. Như ở phần I có đề cập đến tâm tưởng như con ngáo ộp làm phình quả bóng mơ của người “đam mơ” (ước muốn) như thế nào. Rõ ràng là Dế Mèn nên “thác mơ” (mơ Cam Lồ Thủy, mơ Niết Bàn nơi có hạnh phúc an lạc vô biên) để được “mơ Mơ” (tái sinh về Cội Nguồn nơi từ đó nó ra đi), không nên “tung mơ” (tưởng “thà một phút huy hoàng rồi tắt hẳn”) để rồi phải “le lói ngàn năm.”

Âm dương giao hòa giữa tinh cha huyết mẹ tạo ra "mở Mơ" (bich bang). "Chùm mùng mơ" (giây phút sung sướng giả thọ cảm) khiến cho sau phút giây huy hoàng ấy của nó là "mùng úp màng mơ" ("màn đen cận mãn hé rạng" do quả trứng tròn - huyết mẹ ấy đã "ôm nó vào lòng" (thụ thai của người mẹ) khiến nó bị “mắc kẹt” không thể thấy ánh sáng trong khối hỗn hợp tinh huyết ấy.

Thày chỉ dạy cho Minh Mẫn biết: "Khi nhập thai, người ít công đức thiện nghiệp sẽ nghe tiếng ồn ào ầm ĩ và có cảm giác giống như đi vào trong đầm lầy, rừng rậm đen tối; trong khi người có nhiều thiện nghiệp nghe các âm thanh nhẹ nhàng an ổn dễ chịu và có cảm giác đi vào trong căn nhà đẹp đẽ."

Điều này cũng dễ hiểu thôi: những ai lúc còn sống ít tu tập tích lũy công đức, tâm họ luôn bất an, gặp nghịch cảnh là tâm thần tán loạn, dễ bị sa sút tinh thần: họ (và con tinh trùng lúc này không phân biệt) sẽ cảm thấy như bước đi trong đêm tối (tinh trùng bị trứng bao lại) trên đất sụt (trứng bị phá vỡ). Người minh mẫn có tu tập thiền định chắc chắn tâm thần vững chãi, họ hiểu họ bước vào căn nhà đẹp để tiếp tục tiến hóa thăng hoa. Những Bậc Thiện Tri Thức có tâm nguyện hóa độ chúng sinh như Đại Đức Rampa, Đức Dalai Lama thứ 14 ở Tây Tạng hiện đang còn sống, khi tái sinh có lẽ họ sẽ có cảm giác nhẹ nhàng an ổn dễ chịu ấy? Thày cho Minh Mẫn biết Dế Mèn đã có cảm giác đi vào đầm lấy trong màn đêm đen tối khi nhập thai. Các bạn có đồng ý với Minh Mẫn là phải tu tập để tâm được an ổn để nếu “không may” lạc bước nhớ lại lúc này còn kịp quay đầu trở lại?

Đọc tiếp cùng bạn lời Kinh:" Từ đó, các thời điểm sau và tiếp theo của tâm cận mãn; theo sau là tâm đỏ tăng, và sau đó là màn trắng xuất hiện, tiếp theo là 80 tâm sở hiện hành cũng như là xuất hiện của các khí căn cứ của nó."

Dế Mèn hiểu tiếp sau (cận) cái thọ cảm sung sướng giả (tâm mãn) của mình ("tâm cận mãn") trái tim nhỏ bé của mình bắt đầu đập nhè nhẹ (thế là huyết mẹ tạo "tâm đỏ" của Dế Mèn tăng, không biết tới tháng thứ mấy thì cha mới áp tai vào bụng mẹ nghe được Dế Mèn nhỉ? Không những thế, sau đó tinh cha lan tỏa khắp thân thể Dế Mèn làm thành (màn trắng) những kinh mạch chằng chịt của Dế Mèn đó. Tiếp theo Dế Mèn “mùng màn Mơ” (80 tâm sở hiện hành) xuất hiện như thế nào xin mời độc giả xem phần III “Ươm mơ Sen Vàng” sẽ rõ.

Dế Mèn cũng hiểu tại sao Đức Phật "mừng mưa mão" (nuôi dưỡng "Mơ" cho Dế Mèn): "Từ khí căn cứ của tâm màn trắng xuất hiện một loại khí khác phát sinh mang khả năng đặc biệt là giữ vai trò làm căn cứ của thần thức. Từ nó, hỏa đại mang khả năng đặc biệt làm căn cứ của thần thức phát sinh; sau đó thủy đại căn cứ và địa đại căn cứ phát sinh."

Dế Mèn mang "cốt nhục" của cha mẹ. Màn trắng chính là cái cốt tủy, cái gen di truyền (cha truyền con nối ấy) mà khi Dế Mèn chào đời những người thân sẽ nhận xét Dế Mèn giống cha như đúc hoặc phỉ phui cái miệng bà hàng xóm thích bông đùa bảo rằng nó (Dế Mèn) không giống ông công an khu vực là tốt rồi. Sự màu nhiệm của Tạo Hóa là ở chỗ từ cái màn trắng vô hình là "tâm điểm"(xuất hiện một loại khí khác mang khả năng đặc biệt giữ vai trò làm căn cứ của thần thức) cho "Màu nhiệm của màu nhiệm" (từ nó, hỏa đại (linh hồn Dế Mèn đó) mang khả năng đặc biệt làm căn cứ của thần thức phát sinh) hình thành cái hữu hình "nhục thể" hay còn gọi là tứ đại của Dế Mèn. Tới chỗ này bạn có đồng ý với Minh Mẫn rằng Mẫu đã "mưa Màu Mơ" (chỉ dạy cho Minh Mẫn) cái cốt ấy chính là linh hồn và cái nhục ấy chính là thể xác của Dế Mèn hay không?

Như thế căn nhà (thể xác) của Dế Mèn là “mơ tâm mơ” (nơi sum họp của gen di truyền của tinh cha và nhục thể là máu huyết của mẹ, là nơi thần thức (linh hồn) của Dế Mèn hình thành và phát triển). Cha mẹ có hạnh phúc sum vầy (như cô bác thường chọc ghẹo Dế Mèn bảo “giống tốt”) thì Dế Mèn mới đẹp về thể xác, minh mẫn về tâm hồn như mẹ đã cầu nguyện Ơn Trên ban nhiệm màu cho Dế Mèn có một tấm thân khỏe mạnh với các thiện căn.

Người ta thường trêu chọc những người bị bệnh nặng là “chán cơm, thèm đất, thích nghe kèn” (sắp đi vào cõi trung ấm) mà không hề hiểu người đó là “mưa màu mơ” (người “mơ” chối từ một giấc mơ cơm áo gạo tiền) cho bản thân, “rung mão” (chuẩn bị rũ áo ra đi). Đã đến lúc căn nhà rệu rã, mục nát không thể “sửa sang” (cơm cháo) gì được nữa, đã đến lúc người sắp ra đi mơ một giấc mơ gặp lại người bạn đời trong kiếp này của mình ở thế giới bên kia, “dâng mão” để gặp Cha Mẹ ở bầu trời Thiên Thanh xanh thẳm.

Thày chỉ dạy cho Minh Mẫn biết: “Có ba cánh cửa cho thần thức nhập vào dạ con: miệng người nam, đỉnh đầu người nam và cánh cửa đi vào dạ con người nữ.”

Lời chỉ dạy này của Thày khó quá Minh Mẫn đã phải mất cả giờ đồng hồ mới lờ mờ hiểu ra xin trao đổi với bạn đọc nhé. Tại sao trong dân gian người ta hay dùng câu: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” để ám chỉ cái tố chất tốt đẹp mà con cháu được kế thừa từ tổ tiên ông bà?

Thần thức Dế Mèn lúc đó vì có thần thông nên trước khi “mơ họ Mão” (nhập gia họ Thái) đã ngắm nghía, lựa chọn hết cả rồi. Chỉ cần một “thoáng mơ” là Dế Mèn đã sao chụp được bộ gen di truyền của “ông bô, bà bô” trong tương lai. Ai đó bảo Dế Mèn là con nuôi thì nhất định không xong với Dế Mèn đâu. Dế Mèn sẽ đưa ngay bảng phân tích ADN của bác sĩ làm cho Dế Mèn ra để phản biện ngay: “Ông hay bà nhìn này tôi là bản sao bộ óc thông minh, tài ăn nói của cha tôi, phẩm chất dịu dàng, thùy mị, siêng năng lao động của mẹ tôi, tôi kế thừa nhưng tôi cũng có cái riêng của tôi (Dế Mèn).”

Bạn thấy Dế Mèn láu lỉnh quá phải không? Cái riêng của nó (Dế Mèn) mang theo là nghiệp lực của nó, còn cái nó kế thừa của cha mẹ tổ tiên ông bà là cộng nghiệp của nó. Giờ này chắc bạn hiểu thêm một điều tại sao người ta nói “một người tu Đắc Đạo cứu cả dòng họ” giống “mơ” (về ý nghĩa tốt đẹp) như “một người làm quan cả họ được nhờ,” và cái lý tại sao cần thiết hồi hướng những việc làm thánh thiện của mình cho cửu huyền thất tổ.

Như phần I đã đề cập Hương Thực Ấm là cõi ăn bằng hương vị. Chính vì chỉ thực bằng hương nên Ma (người trong cõi trung ấm) rất tham ăn. Để Minh Mẫn cùng bạn ôn lại một đoạn “Phật nói Kinh Vu Lan Bồn” nhé:

“Kiền Liên mới đặng lục thông,

Muốn cho cha mẹ khỏi vòng trầm luân.

Công dưỡng dục thâm ân dốc trả,

Nghĩa sanh thành đạo cả mong đền,

Làm con hiếu hạnh vi tiên,

Bèn dùng huệ nhãn dưới trên kiếm tầm.

Thấy vong mẫu sanh làm ngạ quỉ,

Không uống ăn tiều tụy hình hài,

Mục Liên thấy vậy bi ai,

Biết mẹ đói khát ai hoài tình thâm.

Lo phẩm vật đem dâng từ mẫu,

Đặng đỡ lòng cực khổ bấy lâu,

Thấy cơm mẹ rất lo âu,

Tay tả che đậy, hữu hầu bốc ăn,

Lòng bỏn xẻn tiền căn chưa dứt,

Sợ chúng ma cướp giựt của bà.

Cơm đưa chưa đến miệng đà,

Hóa thành than lửa nuốt mà đặng đâu.”

Minh Mẫn nghĩ là bạn hiểu Đức Phật muốn chỉ dạy gì cho chúng ta qua lời Kinh nói trên.

Có khi nào bạn để ý trong đám tang theo truyền thống Phật giáo thân nhân người chết được cúng cơm trong một cái chén với một đôi đũa, còn hai bát cơm bên cạnh để trên bàn thờ vong mỗi bát chỉ có một chiếc đũa? Người ta giải thích rằng người mới chết ăn bằng đôi đũa mà không lại ma ăn bằng một chiếc đũa, nếu đưa cả đôi nó sẽ ăn hết phần của vong mới. Có phải chính vì ham ăn nên lúc nào ma (hương thực ấm) cũng ao ước có được cái khẩu (miệng) như người ở trần gian để được ăn tất cả không chỉ hương vị?

Đức Phật chỉ dạy tiếp trong “Kinh Phật Thuyết Bào Thai”: “Rồi khi thân trung ấm bắt đầu ôm lấy người nó muốn, qua nghiệp lực của quá khứ, nó chẳng thấy gì của thân thể mà chỉ thấy bộ phận sinh dục của người đó, vì vậy mà nổi cơn sân hận. Chính lòng ham muốn và tâm sân hận này tác động làm nguyên nhân cái chết của thân trung ấm, và nó nhập vào thai trong dạ con người mẹ.

Trong khi thấy cảnh Long Phụng hợp cẩn, vì bản năng và ham muốn mây mưa Dế Mèn đã tưởng nó có tấm thân vật lý nên “sà vào” ôm ấp người nó muốn nhưng do nghiệp lực nó không thấy gì của thân thể, nó đã nổi sân hận vì không có tấm thân, vì đã chẳng có gì để hợp cẩn, để ôm người nó muốn cả. Hai cánh cửa thân và ý đã giúp nó “tức muốn chết” và sau khi tỉnh dậy đã nằm trong dạ con của người mẹ.

Như vậy ba cánh cửa nhập thai của Dế Mèn chính là tam nghiệp Thân, Khẩu, Ý của “Mơ” (chính Dế Mèn).

Thày chỉ dạy cho Minh Mẫn về sự tạo thành các kinh mạch, khí và giọt như sau:

Luân xa tại tim (con người nói chung[1]) bao gồm kinh mạch trung ương, phải và trái, bao quanh nó là hoa sen 8 cánh, hay 8 căm (nan hoa) – 4 cánh tại 4 hướng chính và 4 cánh tại 4 hướng trung gian.

Cơ thể con người có 5 đại kinh mạch – hoa sen là:

1. Luân xa hoa sen Đại hỷ trên đỉnh đầu có 32 cánh hoa sen.

2. Luân xa hoa sen Thọ hưởng tại yết hầu có 16 cánh.

3. Luân xa hoa sen Pháp bổn tại tim có 8 cánh.

4. Luân xa hoa sen Nội hỏa tại đan điền có 64 cánh.

5. Luân xa hoa sen Trì lạc tại chỗ kín có 32 cánh.

Ba luân xa hoa sen khác thường được nhắc tới là:

1. Luân xa hoa sen Khí điển tại chân mày, có 16 cánh.

2. Luân xa hoa sen Hỏa điển tại cổ và tim , có 3 cánh.

3. Luân xa hoa sen Châu báu ( đầu dương vật), có 16 cánh.

Khí trợ sinh trụ chính yếu tại trung tâm của luân xa hoa sen tim; nó có chức năng tạo ra sự chuyển động ra vào của các khí căn cứ cho các cảm quan, và chức năng bảo tồn đời sống; dạng thô hơn của khí này tạo ra sự chuyển động của hơi thở qua lỗ mũi. Khí chuyển hạ xả rỗng trụ chính yếu tại trung tâm của luân xa hoa sen ở chỗ kín; nó có chức năng tạo ra việc đi đại tiện, tiểu tiện, kinh nguyệt v.v.. Hỏa khí trụ chính yếu tại trung tâm của luân xa hoa sen đan điền (là nơi trụ của nội hỏa); nó có chức năng tạo ra sự tiêu hóa, tách rời các phần tinh lọc và thô của thức ăn đã tiêu hóa và kích động nội hỏa. Khí chuyển thượng trụ chính yếu tạo trung tâm luân xa hoa sen yết hầu; nó có chức năng tạo ra vị giác nếm các thức ăn, nói chuyện v.v… Khí toàn thân trụ chính yếu tại các khớp xương; nó có chức năng gây ra chuyển động, nghỉ ngơi ngưng chuyển động v.v…

Trong tháng thứ sáu, khí (phụ) di chuyển qua cách cửa của hai con mắt – gọi là “chuyển động” – và đại địa được hình thành. Từ tháng thứ sáu đến tháng thứ mười, tứ đại – đất, nước, lửa, gió – và không đại sinh ra, có nghiã là khả năng các đại này đã phát triển đầy đủ.

Năm khí phụ trên là năm phần chính hay là năm thể chính của khí trợ sinh; nó dùng để phụ giúp nhận biết các đối tượng của 5 cảm quan của tâm thức. Có 10 khí được tạo thành trong dạ con, hơi thở (thô) ra vào từ mũi chưa bắt đầu mãi cho đến ngay sau khi sinh ra chào đời.

Có rất nhiều định nghĩa và cách hiểu về “Luân Xa”, nhưng Minh Mẫn muốn thư giãn đùa chữ với bạn một chút. Luân là “mùng mở” (luân chuyển, luân phiên). Xa là xa xăm, quá khứ. Luân xa là sự luân chuyển (cái gì đó) từ quá khứ, là bánh xe luân hồi quay liên tục mà người ta có thể ẩn dụ nó qua các danh từ, hình ảnh khác như vô thường, xuân hạ thu đông, ngày đêm, vô minh – giác ngộ, Phật – Ma, là bạn, là tôi v.v..Luân xa là điểm “Mở”. Bánh xe luân hồi trong Vũ Trụ và Tiểu Vũ Trụ chuyển động với thời gian, có điều trong Ta (tiểu vũ trụ) nó bị chi phối bởi “lực” tác động của “tâm giả kiến tánh” (vô minh) của con người, cái mà trong Vũ trụ “không” có. Luân xa làm trung gian cho sự tiếp xúc của Tiểu Vũ Trụ với Vũ Trụ. Những cánh “Hoa mơ” (cánh sen) này có tươi tắn, nở rộ, sinh động với ánh hào quang đẹp đẽ mới giúp bạn được khỏe mạnh và minh mẫn. Nhiều người thường nói với tôi hễ ngồi thiền điển xuống bách hội, hoặc tới những nơi có nhiều thanh điển họ cũng tiếp nhận được năng lượng và cảm thấy khỏe khoắn. Tôi nhớ lại một dạo khi khu vườn kỳ lạ ở Tân Thông Hội, Đức Lập, Long An còn nhiều điều “kỳ lạ,” tôi đưa ba mẹ tôi xuống nghỉ ngơi cuối tuần, các cụ đều thừa nhận khỏe và ăn cơm nhiều hơn. Theo bạn thì phải làm thế nào để năng lượng của Vũ Trụ “thấm” vào ta không những chỉ qua luân xa 7 (bách hội) mà qua tất cả các luân xa của cơ thể? Có phải thường xuyên thực hành pháp luân thường chuyển, thiền định?

Ta bắt đầu đàm luận đôi chút về luân xa tại tim. Tại sao Thày lại nói rằng luân xa tại tim bao gồm kinh mạch trung ương, phải và trái, bao quanh nó là hoa sen 8 cánh? Như trên ta đã biết rằng khi thần thức nhập thai, “nhục” (tim) được hình thành đầu tiên. Trái tim là tâm điểm nơi sản sinh ra máu nuôi cơ thể, bám theo nó những kinh mạch (thành hình do “cốt”) chính là luân xa tim, là trung tâm của Tiểu Vũ Trụ, làm nhịp cầu nối (ăng ten) với Vũ Trụ ở khắp bốn phương tám hướng bằng “sen mơ.” Người minh mẫn dùng một cụm từ rất gợi cảm để chỉ luân xa này đó là luân xa tình thương, có lẽ vì nó là luân xa được hình thành từ trái tim biết yêu thương biết hy sinh vì mọi người, là “điểm mở” của Tiểu Vũ Trụ, là luân xa của “mùng màn mở” (đi trước – hình thành trước nhất khi thần thức nhập bào thai), của “mùng màn đóng – dâng mão” (về sau cùng khi hồn xác chia ly). Nếu bạn khai Mở được luân xa này linh hồn của bạn sẽ được giải phóng khỏi ngục tù giam giữ nó (sự hình thành của linh hồn tại luân xa này sẽ được đề cập dưới đây) để ung dung tự tại lên thăm Cha Mẹ vào bất cứ lúc nào nó muốn và học được nhiều điều hơn ở những cảnh giới khác ngay trong kiếp sống này. Bạn cũng có thể đặt cho luân xa này một cái tên khác ấn tượng là Luân xa Địa Tạng Bồ Tát. Vì sao? Vì tính chất của luân xa này giống hạnh nguyện của Đức Địa Tạng nguyện không thành Phật khi còn một chúng sanh bị rơi vào địa ngục. Ngài đã và đang độ cho tất cả các chúng sanh ra khỏi địa ngục và không hẹn ngày trở thành Phật. Biết tới khi nào địa ngục của Tạo Hóa trống rỗng? Có phải là Ngài đã đi trước và về sau không?

Bạn cũng có thể lý luận rằng luân xa tại tim có hoa sen tám cánh tượng trưng cho con đường tám nhánh giải thoát khỏi Khổ (Bát Chánh Đạo) gồm:

Chánh kiến: thấy biết chân chánh.

Chánh tư duy: suy nghĩ chân chánh, suy xét về ý nghĩa của Tứ Diệu Đế một cách đúng đắn.

Chánh ngữ: không nói dối, nói phù phiếm.

Chánh nghiệp: tránh phạm giới luật.

Chánh mệnh: tránh các nghề nghiệp mang lại giết hại như đồ tể, thợ săn, buôn vũ khí, buôn thuốc phiện.

Chánh tinh tấn: phát triển nghiệp tốt, diệt trừ nghiệp xấu.

Chánh niệm: tỉnh giác trên ba phương diện thân, khẩu, ý.

Chánh định: tập trung tâm ý đạt bốn định xuất thế gian.

Mặt khác, tình yêu thương gắn kết con người ta xích lại gần nhau, do đó con người muốn “chiếm hữu” trái tim của nhau, muốn người khác phục tùng và làm theo ý muốn của mình, ngược lại nếu trái ý họ sẽ buồn rầu, sân hận khiến sợi dây oan nghiệt ngày càng siết chặt vào họ.

Đức Phật đã chỉ dạy chúng ta trong “Kinh Pháp Cú”: “Ái diệt, hết khổ đau,” nhưng không phải diệt tình thương nói chung vì đến “sỏi đá cũng cần có nhau” chứ không nói chi đến con người, và vì tình thương là nền tảng cho cho sự vị tha, sự quên mình vì người khác, là chìa khóa khai mở Tâm, khai mở Trí Huệ. Diệt ái là diệt si mê, tức là diệt cái quan niệm cố chấp muốn chiếm hữu nói trên. Những ai biết hưng thịnh Luân xa Tim của mình hãy chăm sóc và vun bồi cho nó bằng tình yêu thương nhân loại, yêu vạn vật sinh linh, yêu chính bản thân mình để cho tám cánh hoa sen ấy luôn tỏa hào quang rực rỡ. Đến chỗ này có bạn sẽ nói tôi nghèo lắm chẳng đủ ăn, đủ mặc làm sao tôi có thể vì người khác, hoặc tôi có tiền bạc nhưng không rảnh rỗi thời giờ để chia sẻ với người khác. Bạn sẽ có một ngàn lẻ một lý do để tự bào chữa cho cái “tâm” bỏn sẻn của mình. Để Minh Mẫn nhắc lại cho bạn nhớ lời Đức Phật chỉ dạy chúng ta trong “Kinh Pháp Cú” nhé: “Pháp thí thắng mọi thí.” Có phải hãy “thí” cho người khác những lời nói ngọt ngào đầy tình yêu thương chân thật từ đáy lòng hơn là “bố thí” (ban bố) cho họ miếng cơm, manh áo với cái tâm rỗng tuếch hoặc với sự thương hại? Pháp thí hơn cả mọi thí là sự ban tặng cho người “đói pháp” pháp tu để họ tự “mùng màn mở” (giải thoát khỏi khổ đau).

Chính tình thương yêu của luân xa Tình Thương từ Ta (nhục thể – người vợ) giúp cho ta (con người) thọ cảm (nhận cảm xúc) từ năm Đại Kinh Mạch Hoa sen Đại Hỷ, Thọ Hưởng, Pháp Bổn, Nội Hỏa và Trì Lạc. Để Minh Mẫn “mơ” (đoán mò) ý nghĩa của các luân xa mà Thày muốn chỉ dạy cho chúng ta nhé.

Chúng ta hãy tìm hiểu Luân xa Hỷ Lạc là gì? Hỷ lạc là cảm xúc vui sướng đến lạc hồn này. Luân xa Hỷ Lạc lại nằm trên đỉnh đầu con người nên có nghĩa sự sung sướng ấy tột cùng. Niết Bàn, Giải Thoát là viên mãn khôn cùng, vậy nó (hỷ lạc) có trong Vũ Trụ và cũng có trong Ta (con người chúng ta). Điểm Mơ, Điểm Mở cũng là Hỷ Lạc. Đời người là một giấc mơ, do đó chúng ta hãy mơ đến hỷ lạc vui sướng bằng “pháp Hỷ thắng mọi hỷ” (Kinh Pháp Cú), đừng biến trần gian này thành địa ngục do chiến tranh, giết chóc vì “mùng màn Mớ” (lòng Tham Lam vô độ con Quỉ Đói không tên) của “con” người. Luôn ghi nhớ trong lòng và thực hành bốn chữ từ bi hỷ xả là chúng ta đã góp phần làm cho Trái Đất này thêm tươi đẹp.

Thọ là nhận. Ta nhận cái gì để gọi là được hưởng nếu không là ăn, uống, ngủ, nghỉ (người có đầu óc tiếu lâm thì bảo đó là “tứ khoái” (ăn, ngủ, đ…, ỉa). Nếu không tiết chế “mùng hưng, màn mở” (sự đòi hỏi của thể xác) liệu bạn hay tôi có được minh mẫn, khỏe mạnh, để “mơ” mùng hưng màn mở (thọ hưởng cái sung sướng tột độ mà người ta hay biện bạch cho mình là “có thực mới vực được đạo”) hay không? Hàng ngày ta “bê bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần,” uống ly nước cam lồ mát lạnh, ta phải biết đã thọ hưởng những gì tốt đẹp nhất từ các vị ngọt, chua, đắng, the, cay, mặn mà Trời Đất dành cho ta giúp ta có tấm thân khỏe mạnh, sống để yêu thương. Có lẽ Thày không đơn giản muốn chỉ dạy cho chúng ta luân xa hoa sen Thọ hưởng 16 cánh tại yết hầu chỉ để thọ hưởng vật thực trong chánh niệm, mà còn cho chúng ta hiểu “pháp vị thắng mọi vị” (Kinh Pháp Cú)? Thiền sư Lương Sĩ Hằng – một vị Phật tại thế khuyên bạn đạo Vô Vi nên cầu nguyện sau bữa ăn để giúp cho vạn linh đã hy sinh thân xác làm thức ăn nuôi dưỡng chúng được tiến hóa dễ dàng hơn như sau: “Luồng thanh điển tập trung đi về nguồn cội, liên hệ với quyền năng của vũ trụ. Sắc tướng đều trở về với hư không. Vạn linh ở trong tiểu vũ trụ này được hiệp nhứt với tôi, để mọi khổ não đều được giải trừ.” Minh Mẫn nghĩ rằng với sự chánh niệm trên dù ăn chay hay hay mặn bạn đều đã hóa độ được tất cả những gì vào bụng bạn. Một loại pháp vị thù thắng nữa mà các bạn cũng hiểu được công đức to lớn mà nó đem lại cho người bố thí và người nhận thí đó là “dương mơ” (thuyết giảng, ấn tống kinh kệ, sách đạo).

Tôi không là nhà ngôn ngữ học nên “mơ” “pháp bổn” khó qua. Tạm đoán thế này nhé: pháp là phép, cách, phương pháp; Còn bổn là là… bổn mạng. Khó quá Minh Mẫn phải cầu cứu xin Thày chỉ dạy thôi. Thày chỉ dạy bổn là vốn có, sẵn có. À thế thì Minh Mẫn hiểu rồi cái phép (pháp) vốn có, sẵn có là tính thanh tịnh của tự Tâm (Tim). Tám cánh hoa sen của luân xa Pháp bổn này là biểu tượng của bánh xe luân hồi bất diệt. Nó (luân xa Bổn Mạng) là chiếc gương phản chiếu Tiểu Vũ Trụ, phản chiếu quá khứ, hiện tại, vị lai của bạn, là bổn mạng và là tấm gương của bạn.

Ai “mơ mớ” nhiều đến cơm áo gạo tiền (theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen tức là lo cho tấm thân người vợ và cái tham nắm giữ của mình) quá người đó sẽ tự làm hoen ố tấm gương trong sáng của mình. Chỉ có “mão dâng, mùng mở” (sự tu tập tinh tấn, thực tập thiền định chăm chỉ) mới là vũ khí sắc bén “mài” cho tâm (tim) bạn trong sáng, đầy nhiệt huyết mà thôi.

Bạn có cảm thấy hai chữ “nội hỏa” khiến ta thấy nóng bừng lên trong người hay không? Ý nghĩa của luân xa Hoa sen Nội hỏa 64 cánh là gì? Nếu ai biết Kinh Dịch thì không lạ với cách giải thích 64 cánh hoa sen là biểu tượng của 64 quẻ dịch được biến hóa ra của từ lò Bát Quái (với tám quẻ càn, đoài, ly, chấn, tốn, khảm, cấn, khôn) của Thái Thượng Lão Quân. Sáu mươi bốn quẻ lại hóa hóa, sinh sinh ra muôn vật muôn loài.

Bạn cũng sẽ thắc mắc nếu tôi không biết Kinh Dịch thì lý trên được giải thích thế nào. 64 (sáu mươi tư) là sáu bốn “đùa mơ” (đùa chữ) ta có sâu bốn – bốn sâu: hình ảnh khắc sâu trong trái tim mà tôi nhớ trong lời bài “tán Phật” là Đức Phật A Di Đà với “bốn biển lớn trong ngần mắt biếc,” bốn chữ cần “mơ mở” (mơ sâu) là sinh, lão, bệnh tử; thành, trụ, hoại, diệt; Tứ Diệu Đế: chúng ta chỉ cần lấy Tứ Diệu Đế làm con diều chắp cánh cho giấc mơ sâu, cắt đứt những sợi dây ràng buộc của “mùng màn phủ” (chiếc dù) thì bông sen 64 cánh ở đan điền một ngày nào đó sẽ cùng ta “mùng màn mở” (bay cao) để “mùng màn mơ” (lên thăm Cha Mẹ) cho thỏa lòng ước mơ.

Hoa sen Trì Lạc “duy trì” mùng màn mở nếu ta ươm mơ lên thăm Cha, Mẹ một cách bền bỉ, tinh tấn bằng thực tập thiền định, niệm Thần Chú. Sự an lạc, sung sướng mà luân xa hoa sen 32 cánh này mang lại cho hành giả cũng không kém Đại Hỷ. Vì vậy Thượng Đế – Cha Lành đã dạy chúng ta nên tiết dục vì lạc thú đó giả tạm (không ngoài mục đích duy trì nòi giống), để đạt “mơ” An Lạc – sung sướng, khoái lạc trong “mùng mơ” (an ổn) và vì “mơ” (an trú) trong thiền định sâu thẳm, trong Bồng Lai Tiên Cảnh, trong Niết Bàn hành giả (chúng ta) sẽ được phúc lạc viên mãn.

Năm Đại Kinh Mạch – Hoa sen trên làm cho Minh Mẫn liên tưởng đến Năm Ông Tiên đang đứng trên mây “phun” (ban rải) Khí, Hỏa, Châu Báu xuống Trần gian cho nhân loại, giữ cho năm tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận) trong chúng ta tươi tốt.

Thày chỉ dạy cho Minh Mẫn biết:

“Mơ màu thì được nhiệm màu.

Dùng mùng mùng mở, dùng màu màu ham.

Ai ơi chớ bỏ vườn cam,

Để mơ quên mớ, để màng quên Ta.”

Và bảo Minh Mẫn phải suy luận tiếp để hiểu được ý nghĩa của ba luân xa còn lại.

Thày ơi, xin Thày phép cho con mượn phép phân thân và nhãn thần thông của Tôn Ngộ Không soi lại nhiều tiền kiếp của con xem khí hỗn mang trong Tiểu Vũ Trụ trong con đã chuyển dịch như thế nào để hình thành một Thái Minh Mẫn ngày nay. Quả thật là ba chìm bảy nổi chín lênh đênh: con đã ngụp lặn trong luân hồi trong vô số kiếp, đã mùng màn nhiều pha (huân tập si mê), thói hư tật xấu của nhiều “màn mùng” (kiếp) đã bám vào máu thịt, xương tủy con, bằng nhãn thần thông thấy ghê quá: con đang “mùng màn đội” trên đầu một cây dù khí xám xịt. Vậy là con phải “dùng mùng” (tu tập, gột rửa) cho mở con mắt thứ ba để thấy được Hoa Sen Khí Điển 16 cánh của mình đẹp như thế nào có đúng không Thày?

A con nhớ ra rồi! Thày đã chỉ dạy cho con phương pháp dùng năng lượng sinh học để xả trược khí, đó chính là phương pháp gom ngươn thần, tập luyện để khai mở con mắt thứ ba. Nếu con “mơ màu thì được nhiệm màu” (thực hành tốt) thì con cũng có phép màu như Tề Thiên Đại Thánh, tới lúc đó con sẽ cám ơn và gửi trả nhãn thần thông cho Đại Thánh, chỉ sử dụng cái của con thôi (vay mượn phức tạp lắm)! Con biết có mấy người bạn họ ham mê thần thông và rủ nhau ra công viên Tao Đàn tầm sư học đạo mong “mùng màn mờ” (“ngửi” được mùi thơm của Tiên, Thánh), con biết họ đã sai lầm: mục đích của họ không phải giải thoát mà tầm thần thông nên nhất định không bắt chước họ đâu, xin Thày đừng lo. Con tuy không ngửi được mùi thơm Tiên Thánh, nhưng hàng ngày con vẫn tập luyện, vẫn “mơ” với Thày, Thày vẫn Hùm Miêu đồng hành với con, nói nho nhỏ cho con nghe, con vẫn được nhiệm màu Thày ban. Chỉ cần con siêng năng tập luyện dưới sự hướng dẫn của Thày một ngày nào đó “mở mơ” (cây phải đâm chồi), con sẽ nhìn thấy Thày bằng con mắt thứ ba của mình có đúng không Thày?

Theo Minh Mẫn có nhiều từ đồng nghĩa với “điển” như trí huệ, ánh sáng, năng lượng, điển quang minh, ánh bình minh, ánh sáng trắng, dương khí. Nó mang yếu tố dương và có tính tích cực. Đối nghịch của điển dương là điển âm, là dòng năng lượng xuất phát từ vô minh, năng lượng đen, âm khí, tà khí, “ma”. Trong mỗi con người chúng ta đều tồn tại các dạng năng lượng này, nếu chúng ta tu tập tốt dương khí trong chúng ta vượng, hai luân xa hoa sen Hỏa Điển tại cổ và tim sẽ tỏa hào quang đẹp đẽ. Cùng với Đại Vũ Trụ, Tiểu Vũ Trụ trong ta biến dịch không ngừng. Ba cánh hoa sen tượng trưng cho ba Báu Bi, Trí, Dũng, hay còn gọi là Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng, cho ba kỷ luật – con đường giải thoát của Phật giáo: giới hạnh (giới – nhằm điều chế phong thái bên ngoài), thiền định (định – nhằm điều chế tư tưởng) và trí huệ (huệ – nhằm hiểu biết chân xác), cho tam Nghiệp Thân, Khẩu, Ý, cho không gian Mở Quá Khứ, Hiện Tại, Vị Lai, cho ba Thế hệ Ông Bà, Cha Mẹ, Con Cháu, cho ba độc tham, sân, si, cho ta (cái tôi trong Ta), Ta, chúng ta Ta (chúng sinh trong Tiểu Vũ Trụ).

Bạn có để ý tại sao Thày lại chỉ dạy cho chúng ta hai luân xa hoa sen ba cánh ở tim và cổ không? Theo Minh Mẫn, luân xa hoa sen ba cánh ở tim là luân xa được hình thành trước cùng với linh hồn và thân tứ đại của con người, chúng mang bản chất của ý và thân trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Luân xa hoa sen ba cánh ở cổ mang bản chất của khẩu (khí) trong ba thế hệ ông bà, cha mẹ và cháu con. Ba cộng với ba là sáu. Con số 6 cho ta ý niệm liên tưởng đến lục phủ trong cơ thể con người (sáu cái phủ bên ngoài bao gồm đảm, vị, tiểu trường, đại trường, bàng quang, tam tiêu giữ nhiệm vụ chủ yếu tiêu hóa hấp thu, bài tiết), đến lục độ Ba la mật (bố thí, giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ) hay lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), lục trần (1.sắc, đối tượng của mắt, 2.thanh, đối tượng của tai, 3. hương, đối tượng của mũi, 4. vị, đối tượng của lưỡi, 5. xúc, cảm xúc, đối tượng của thân, 6. tâm pháp, một ý nghĩ, một khái niệm, đối tượng của ý). Nhờ lục căn, ngũ trần mà ta có thể bố thí, trì giới, thực hành nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định để đạt được đẳng cấp giác ngộ vô thượng. Bạn có thấy tấm thân người của chúng ta quí báu và hơn các cõi khác để có thể tu tắt, tu nhanh vì đối tượng mà ta phải chiến thắng là chính mình không?

Minh Mẫn tự hỏi tại sao Thày chỉ dạy Luân xa Hoa sen Châu báu (đầu dương vật) có 16 cánh? Khi nói hay nghĩ về “chỗ ấy, hay cái ấy” người ta thường nghĩ đến sự tục tĩu, xấu xa, dơ bẩn. Tôi nhớ lại lời một bài hát “nơi hầm tối là nơi sáng nhất”. Vâng, “nơi ấy” là khiếu (lỗ) thứ chín, của con số 9 kỳ diệu mà bạn đã biết, thực tế chính là luân xa Một, Hội Âm. Trong ngục tối ngột ngạt nếu tù nhân biết “cải tạo” tốt thì Đức Địa Tạng vẫn luôn dang tay cứu vớt tội nhân ra khỏi ngục hình, khỏi địa ngục của trần gian. Bạn có thể tưởng tượng điều gì tuyệt chiêu mà tôi vừa nghĩ ra không? Chắc bạn không ngờ. Hãy nhìn này: hoa sen 16 cánh ở Hội âm như con Hỏa xà lách thẳng lên Bách hội để Long Hổ Hội (giao hoan) với hoa sen 32 cánh trên đỉnh đầu: 16 + 32 = 48 con số này có gợi cho bạn cái gì không? Có phải 48 Đại nguyện độ chúng sinh của Đức Phật A Di Đà với 9 phẩm sen vàng lên giải thoát, có phải bốn phương, tám hướng, có phải điểm “Mở” không? Trong khí công người ta nói đó là âm thăng. Cái âm trong ta theo mạch nhâm được thăng hoa, giải thoát có nghĩa là ta tự độ được ta. Rồi còn phải dương giáng nữa chứ. Con hổ đã thành tựu còn phải “xuống trần” (đi xuống theo mạch đốc để độ tha nữa chứ). Và như thế Tiểu Vũ Trụ mới có một vòng tròn khép kín, điểm Mở, chữ O. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền 6 năm dưới cội bồ đề và thời điểm ngộ đạo mà Đức Phật đã chiêm nghiệm là ở chỗ này? Long Hoa Đại Hội Thày Mẹ mở ra để chào mừng những đứa con xa nhà trở về có gì khác hơn thời khắc tuyệt vời này? Tiểu Vũ Trụ và Đại Vũ Trụ hợp nhất - yếu tố nhất nguyên, Thày là Ta, Ta là Thày có phải là điều mà Thày phải xuống trần, lao tâm khổ lực mong muốn chúng ta trở về Cội Nguồn là đây? “Mùng màn” Mở – mở màn Mơ là đây?

Chúng con cảm ơn Thày đã chỉ cho chúng con thấy được sự quí giá của tấm thân người vì khắp châu thân chúng con chỗ nào cũng được “ươm sen” (chỗ nào cũng có sen), chín luân xa hoa sen, chín phẩm sen vàng và vì đôi khi Thày, các bậc Giác Ngộ muốn giáo hóa chúng sinh (chúng con) điều gì đó cũng phải mượn xác phàm của chúng con (như cuốn băng “Thượng Đế giảng chân lý” đã được Thày hướng dẫn Minh Mẫn tải lên mạng đó).

Ta hiểu gì từ lời chỉ dạy của Thày là luân xa hoa sen tim có chức năng tạo ra sự chuyển động ra vào của các khí căn cứ cho các cảm quan và chức năng bảo tồn đời sống; Luân xa hoa sen ở chỗ kín có chức năng tạo ra việc đi đại tiện, tiểu tiện, kinh nguyệt v.vv…; Luân xa hoa sen đan điền có chức năng tạo ra sự tiêu hóa, tách các phần tinh lọc và thô của thức ăn đã tiêu hóa, là nơi trụ của nội hỏa; Luân xa hoa sen yết hầu có chức năng tạo ra vị giác nếm các thức ăn, nói chuyện v.v.. Từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 10 tứ đại đất, nước, gió, lửa và không đại sinh ra? Có phải từ khí sinh ra tứ đại, từ vô hình sinh ra hữu hình, từ vô vi sinh ra hữu vi, từ “không” sinh ra “có” và tất cả chúng “chung mơ” (sum họp), hòa quyện vào nhau thành một thể thống nhất, rồi từ hữu vi lại trở về vô vi cứ như thế điệp khúc vi diệu của Điểm Mở, của Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh cứ “mùng màn” (xoay vòng) liên tục, mãi mãi? Có phải khi thân tứ đại (người vợ - thể xác) trở về cát bụi khi ngọn lửa (nội hỏa) (hơi nóng) trong ta tắt hẳn luân xa đan điền của ta cũng lần lượt theo ta tan rã trước và sau đó luân xa tim (người chồng – linh hồn) nơi tạo ra sự chuyển động ra vào của các khí căn cứ cho các cảm quan và bảo tồn đời sống, theo nguyên lý “đùa mơ” thì đi trước về sau, “dâng mão” thì sinh sau về trước? (Bây giờ thì các bạn đã giải mã được bí ẩn tiến trình tan rã hồn vía con người ta khi chết rồi nhé). Có phải “dùng mùng mùng mở” (con người chúng ta xuống trần gian “đùa mơ” tới mãn tuồng “dâng mão”), lúc đùa mơ là lúc chúng ta đang trải nghiệm sự nhiệm màu của Tạo Hóa “dùng màu màu ham” nhưng cũng đừng vì “ham màu” (ham quyền năng, thần thông), “quên mớ” (ham của cải vật chất), mà quên “vườn cam” (trái cam lồ ngọt ngào), “để mơ” (luôn canh cánh trong lòng ước mơ trở về chung mơ với Cha Mẹ) bằng cách tu tập phá “bỏ màng” vô minh một ngày nào đó chúng ta sẽ tìm thấy “Ta” (chính mình)?

Nếu đi ngược lại thời gian một cách thật sự, người ta phải chấp nhận giả thiết có một đời sống trước khi sanh, một thân trung ấm, nếu có ai khám phá được một vài dấu vết của đời sống đó. Chúng ta không có gì chắc chắn hơn ngoài một sự đoán về một biến cố nào đó lúc thai nhi hình thành, và nửa tin nửa ngờ liệu giai đoạn sanh nở có phải chăng là một cơn ác mộng, và giả thiết rằng toàn bộ đời sống chẳng qua chỉ là một cơn bệnh, vì cuối cùng luôn luôn chấm dứt bằng sự chết!

Nếu sự thật cuối cùng bao giờ cũng là một sự nhầm lẫn, phải chăng ta có thể chấp nhận được một vài điều có thật trong cảnh thân trung ấm? Dù sao đi nữa, cũng là một điều lạ lùng khi cho rằng cảnh tượng sau cái chết – các tôn giáo có đủ mọi cách tưởng tượng về cảnh này – chủ yếu là một giấc mơ đáng sợ, với diễn tiến ngày càng tệ hại hơn. Năng lực đạt đạo cao nhất, không phải trong giai đoạn cuối của thân trung ấm, mà ngay từ đầu, ngay trong thời điểm của cái chết, và những gì xảy ra sau đó là một sự trượt dần vào ảo giác và vô minh, cho tới lúc tái sanh vào thế giới vật chất.

Như thế, mức độ cao nhất của tinh thần đạt được ngay vào cuối đời. Cuộc đời con người là một phương tiện có thể đạt tới mức toàn giác, nhưng chính những nghiệp lực làm cho thần thức người chết không nhận ra được ánh sáng của tánh không, và vì thế lại rơi vào vòng luân hồi sanh tử, không giải thoát khỏi ảo giác của sanh thành hoại diệt. Giai đoạn thân trung ấm không phải là cảnh giới của ân sủng hay trừng phạt miên viễn, mà chỉ là giai đoạn rơi xuống một đời sống mới, đời sống mang con người tới gần đích giải thoát thêm một bước nữa. Đây chính là mục đích cao tột, cuối cùng của tất cả cố gắng trong kiếp người.

Vì vậy chúng ta sẽ bình thản hơn khi nghĩ đến cái chết, thậm chí khi phải đối mặt với nó, đối mặt với “cái thấy” (ma). Còn gì hơn khi ngay trong kiếp sống này, ta ý thức được sự sống với tấm thân vật lý để tiếp tục Mơ những lời chỉ dạy của Đức Phật tiếp tục hành trì pháp một cách tinh tấn để được giải thoát ngay trong hiện tại, để có một thân xác khỏe mạnh, một tâm hồn trong sáng không vướng bụi trần ngay trong thế giới đầy khổ đau này không cần chờ đợi tới lúc giao thời chuyển tiếp giữa sống và chết, quay vào trong chính mình để tìm Vị Thày “Hùm Miêu” (chỉ dạy) cho ta tu suốt cuộc đời.

Nguyện cầu cho tất cả mọi người trên khắp thế gian đều được “Mùng màn Mở” (thấy được điểm Mơ), được Mở (giải thoát khỏi luân hồi sinh tử) trở về sum họp với Cha Mẹ ngay trong những giây phút này.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 28 tháng 6 năm 2008

Tức 25 tháng 5 Mậu Tý


[1] Bào thai và người khi đã sinh ra (theo tác giả)

No comments: